Phú Thọ: Nghìn người nô nức dự lễ khai hội Tổ Mẫu Âu Cơ

11/02/2019 11:14

Ngay từ sáng sớm ngày 11.2 (tức ngày mồng 7 tháng giêng năm Kỷ Hợi), hàng nghìn du khách thập phương đã có mặt tại Đền Mẫu Âu Cơ (Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) để tham dự ngày khai hội Đền Tổ Mẫu Âu Cơ 2019.

1
Hàng nghìn du khách thập phương có mặt từ sớm để tham dự Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ.

Khác với mọi năm, năm nay, Hội Đền Tổ Mẫu Âu Cơ được diễn ra rất sớm (6h30 sáng), tuy nhiên, hàng nghìn du khách thập phương đã có mặt để tham dự.

"Biết năm nay Đền Tổ Mẫu Âu Cơ khai hội sớm, nên 3h sáng, gia đình tôi đã dậy, chuẩn bị lễ để lên đây thắp hương tưởng nhớ mẹ Âu Cơ, cũng như cầu năm mới gặp nhiều may mắn", bà Vũ Thị Vân, trú tại xã Hải Phú, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định chia sẻ.

Sau tiếng chiêng, trống khai hội của lãnh đạo huyện Hạ Hòa, là phần làm lễ, rước kiệu, lễ vật từ đình về Đền Mẫu Âu Cơ tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ, cầu mong Tổ Mẫu phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bách gia trăm họ luôn bình an, hạnh phúc, đất nước hùng cường, phát triển và thịnh trị... 

2
3
4
Lễ tế Nữ quan là nghi lễ thờ cúng linh thiêng.

Nghi lễ thờ cúng linh thiêng, thành kính và cũng là tâm điểm, nét đặc sắc riêng có ở lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ là Lễ tế Nữ quan. Đội tế nữ gồm 12 cô gái thanh tân, có nhan sắc và học vấn. Những cô gái này mặc áo tế với các màu rực rỡ; đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa, riêng chủ tế trang phục màu đỏ thực hiện nghi thức tế lễ.

Theo sử sách, huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ sinh ra bọc trứng nở thành 100 người con nhằm tôn vinh nòi giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam; mang đậm dấu ấn nhân văn sâu sắc; là đặc trưng văn hóa và bản sắc của dân tộc Việt Nam. Truyền thuyết đó đã trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, được người Việt qua các thời đại hun đúc và thể hiện bản lĩnh kiên cường, tình yêu nước nồng nàn, kề vai sát cánh, đoàn kết với ý thức cùng chung nguồn cội, đồng bào, dũng cảm đấu tranh với thiên nhiên, với mọi kẻ thù xâm lược để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp và hùng cường.

5

Trong hành trình đưa 50 người con lên thượng nguồn sông Hồng mở mang bờ cõi, Tổ Mẫu Âu Cơ đã dừng chân ở Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Tại đây, mẫu Âu Cơ thấy phong cảnh hữu tình, đất đai trù phú nên đã cho khai khẩn đất hoang, lập thôn ấp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải; biến vùng đất hoang sơ thành trù phú.

Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ là một trong những lễ hội lớn, mở đầu cho nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ diễn ra trong dịp đầu Xuân. Nhờ những nét văn hóa truyền thống, mang đậm tính nhân văn sâu sắc, năm 1991, Đền Thờ Tổ mẫu Âu Cơ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Ngày 23.1.2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận tín ngưỡng thờ Tổ Mẫu Âu Cơ - Đền Mẫu Âu Cơ được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng ban quản lý Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ, 5 ngày trước khai hội đã có khoảng 2 vạn du khách đến với Đền Mẫu Âu Cơ. Sở dĩ năm nay số lượng du khách đến với Đền Mẫu Âu Cơ một phần do thời gian nghỉ lễ dài ngày, phần nữa là do nút giao IC11 cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã được khánh thành và đưa vào sử dụng.

"Do xác định trước lượng du khách đến với Đền Mẫu Âu Cơ năm nay sẽ tăng đột biến nên Ban tổ chức lễ hội đã sớm có phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiến hành phân luồng giao thông, bố trí bãi đỗ xe, quy định điểm bán hàng quán, hướng dẫn du khách về hành lễ được thuận lợi, vui vẻ...", bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết thêm.

(Theo Dân Việt)