Giá xăng giảm 6 lần liên tiếp, cước vận tải vẫn 'cố thủ'
Giá xăng dầu đã có 6 lần giảm giá liên tiếp với tổng mức giảm khoảng 4.500 đồng/lít. So với thời điểm đầu năm 2018, giá xăng hiện đã thấp hơn khoảng 2.000 đồng/lít. Tuy nhiên, đến nay, nhiều đơn vị vận tải vẫn “cố thủ” với lý do quen thuộc khó giảm cước và chờ cân đối.
Cụ thể, trong hơn 2 tháng qua, giá xăng đã có 6 lần giảm giá liên tiếp. Vào ngày 22/10, giá xăng E5 giảm nhẹ 224 đồng/lít; xăng RON95 giảm 144 đồng/lít. Ngày 6/11, giá xăng E5 giảm mạnh 1.082 đồng/lít, xăng RON95 giảm 1.138 đồng/lít; ngày 21/11, giá xăng E5 tiếp tục giảm mạnh 973 đồng/lít; xăng RON95 giảm 1.093 đồng/lít.
Ngày 6/12, giá xăng E5 giảm 1.446 đồng/lít, xăng A95 giảm 1.513 đồng/lít. Ngày 21/12, giá xăng giảm lần thứ 5 với khoảng 300 đồng/lít.
Và mới đây nhất, đầu năm 2019 này, giá xăng tiếp tục giảm thêm hơn 500 đồng/lít. Hiện giá xăng đã về dưới mức 17.000 đồng/lít.
Theo chia sẻ của các lái xe taxi, lái xe công nghệ, giá xăng giảm giúp người lái xe có được thu nhập tốt hơn. Anh Nguyễn Ngọc Tú, lái xe tuyến Hà Nội - Nội Bài cho biết, giá xăng giảm liên tục giúp mỗi chuyến xe đi/về của anh giảm khoảng 10.000 - 15.000 đồng. Tính tổng cộng trong 1 tháng, số tiền dư ra do chênh lệch giá xăng với thời điểm trước cũng đến cả triệu đồng.
Tuy nhiên, về phía người tiêu dùng, giá xăng giảm, nhưng cước vận tải không giảm khiến cho họ phải chịu tác động kép cả từ giá cước và giá tiêu dùng. Giá cả tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu thì giữ nguyên, thậm chí tăng nhẹ với lý do cận Tết và giá vận chuyển không giảm. Còn với giá cước vận tải, “điệp khúc cũ” vẫn được nhắc lại.
Theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, hiện vẫn chưa có đơn vị nào đề xuất giảm giá cước vận tải. Ông Liên cho hay, cho nhiều lý do giải thích cho việc này. Từ năm 2017 đến nay, hầu hết các hãng taxi truyền thống tại Thủ đô đều gắng sức giữ giá cước, dù có thời điểm, giá xăng tăng mạnh lên hơn 21.000 đồng. Nay giá xăng giảm xuống dưới 17.000 đồng, các hãng tạm thời “dễ thở” hơn.
Các đơn vị vận tải nếu muốn giảm cước, cũng không thể thực hiện trong một sớm một chiều, có rất nhiều bước phải thực hiện nếu muốn điều chỉnh giá. Chẳng hạn như phải dừng khai thác xe để điều chỉnh đồng hồ tính cước với chi phí điều chỉnh đồng hồ 110.000 đồng/xe, in lại biển thông báo giá cước hết 30.000 đồng/xe… Thiệt hại mỗi xe khi dừng khai thác lên đến vài trăm nghìn đồng/ngày. Với các đơn vị có hàng nghìn xe taxi khai thác thì con số thiệt hại sẽ là rất lớn.
Ngoài ra, giá xăng tiếp tục giảm, nhưng lại trùng với việc tăng thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng tăng kịch khung từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít; thuế môi trường với dầu diesel cũng tăng từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít (tăng 500 đồng/lít); dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít.
Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 35 - 40% chi phí vận tải. Ông Liên cho rằng, dù giá xăng giảm, nhưng vẫn còn đó rất nhiều gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải; trong đó có phí BOT. Đầu tư BOT là chủ trương đúng của nhà nước, nhưng việc quản lý và thu phí BOT còn thiếu minh bạch, ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp và đời sống người dân.
Cũng theo ông Liên, hiện các đơn vị vẫn đang trong giai đoạn “rục rịch” giảm giá cước. Thời gian tới, nếu giá xăng tiếp tục giảm, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ có bước tính toán cụ thể để giảm. Việc tăng/giảm là do thị trường quyết định. Đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho hay, hiện chưa có doanh nghiệp taxi nào thực hiện giảm cước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang làm các thủ tục để đăng kí giảm. Thời gian tới, giá xăng giảm, chắc chắn các doanh nghiệp này sẽ thực hiện giảm cước.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc Taxi Nguyên Minh cho biết, hiện đơn vị này đã giảm khoảng 1.000 đồng/km cước taxi. “Chúng tôi đã thực hiện đăng kí giảm trước đó, giá cước hiện tại ở mức 10.000 đồng cho 20 km đầu và 9.000 đồng cho km thứ 21”, ông Minh nói.
Không chỉ giá cước vận tải “cố thủ”, mà hàng hóa tiêu dùng tại các chợ cũng không giảm, thậm chí tăng giá. Qua tìm hiểu tại các chợ trên địa bàn Hà Nội như: chợ Mơ, chợ 8-3, chợ Hôm..., giá cả hầu hết các mặt hàng không có sự thay đổi nhiều so với thời điểm 2 tháng trước, riêng mặt hàng rau xanh còn tăng giá vì đợt mưa và rét đậm vừa qua.
Tại chợ Mơ, giá thịt bò vẫn ở mức 220.000 - 230.000 đồng/kg, thịt gà lông có giá 100.000 - 110.000 đồng/kg, cá chép giá 70.000 -75.000 đồng/kg. Giá ốc nhồi hiện ở 70.000 - 73.000 đồng/kg...
Mặt hàng rau xanh giá có mức tăng nhẹ, giá xu hào 4.000 đồng/củ (tăng 1.000 đồng), củ cải trắng 14.000 đồng/kg, rau muống 15.000 đồng/mớ (tăng nhẹ 1.000 - 2.000 đồng). Giá cà chua hàng loại 1 đã giữ ở mức 18.000 - 20.000 đồng/kg, cà chua loại 2 giá vẫn dao động quanh 12.000 - 14.000 đồng/kg...
Theo các tiểu thương, giá xăng giảm vẫn không có tác động đến giá bán ra của các sản phẩm tiêu dùng. Giá cả lên hay xuống chủ yếu phụ thuộc nhu cầu tiêu dùng và lượng cung cấp hàng hoá trong ngày. Đồng thời, đây là thời điểm giáp Tết, các mặt hàng đều có nhu cầu tiêu thụ lớn, nên giá cả có tăng nhẹ cũng là chuyện “thường niên”...
(Theo Báo Tin tức)