Bóc trần thủ đoạn mạo danh các công ty tuyển dụng để lừa đảo
Các đối tượng lợi dụng uy tín của các công ty, tập đoàn nổi tiếng tại Việt Nam rồi giả mạo tài khoản mạng xã hội của họ đăng tuyển nhân sự để lừa đảo.
Ngày 1/12, Phòng cảnh sát hình sự (Công an Nghệ An) cho biết, đơn vị đã có nhiều hình thức cảnh báo cho người dân về các thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng. Đặc biệt, thủ đoạn lợi dụng uy tín các công ty, tập đoàn nổi tiếng để lừa đảo thông qua hình tuyển dụng.
Nói rõ hơn về các thủ đoạn này Trung tá Hà Huy Đức, Đội trưởng Đội phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu (Phòng cảnh sát hình sự) thông tin, khi người dân có nhu cầu xin việc làm và nhắn tin vào tài khoản mạng xã hội giả mạo của những công ty, tập đoàn thì chúng yêu cầu khai báo nhân thân, lai lịch, số điện thoại, tài khoản zalo... và tiến hành một số thao tác sơ tuyển y như thật.
Tiếp theo, chúng gửi một đường link để người dân vào một trang web khai báo và yêu cầu làm một số "nhiệm vụ" cho công ty hoặc tập đoàn (lý do thường là để tăng doanh số, gây quỹ phúc lợi, để tạo uy tín khi hợp tác với một đối tác...). Tiếp nữa, yêu cầu tải phần mềm Telegram để cho họ vào nhóm làm nhiệm vụ.
Sau khi người dân đồng ý vào nhóm, bọn tội phạm dùng các "chim mồi" trong nhóm để thao túng tâm lý các nạn nhân.
Trong nhóm, sẽ có một đối tượng đóng vai người tuyển dụng yêu cầu mọi người phải làm xong nhiệm vụ online thì mới đủ điều kiện tham gia buổi phỏng vấn trực tiếp (dự kiến diễn ra sau đó khoảng 1 tuần).
Có các nhiệm vụ từ 1 đến 4, tương ứng với số tiền ứng viên phải nộp vào. Đồng thời, các đối tượng hứa hẹn xong các nhiệm vụ thì tiền sẽ được rút về kèm theo một khoản hoa hồng.
Thông thường chúng yêu cầu 4 người cùng nhau làm 1 nhiệm vụ (1, 2, 3 hoặc 4). Nạn nhân lầm tưởng 3 người kia là người đi xin việc như mình nhưng đâu ngờ 3 tài khoản telegram kia đều là chim mồi do bọn tội phạm quản lý.
Ban đầu, mọi người chọn nhiệm vụ nhỏ với số tiền nhỏ, sau lấy lý do một trong 4 thành viên thao tác sai (do 1 trong 3 chim mồi cố tình làm sai) nên phải thực hiện thêm các nhiệm vụ khác để bù thì mới rút số tiền ban đầu về. Cứ thế, cứ thế làm cho nạn nhân cặm cụi nạp tiền cho chúng hết lần này đến lần khác. Đến khi sực tỉnh thì đã vay mượn khắp nơi chuyển cho bọn tội phạm hàng trăm, hàng tỷ đồng.
Trung tá Hà Huy Đức khuyến cáo, hiện nay, nhu cầu công ăn việc làm của người dân là rất bức thiết. Nhưng nếu chúng ta đi tìm kiếm các cơ hội việc làm trên mạng xã hội thì phải hết sức thận trọng.
Đặc biệt, không chuyển tiền cho tài khoản lạ dù bất cứ lý do gì. Bởi vì, tài khoản ngân hàng được bọn tội phạm dùng giấy tờ giả để sử dụng rất nhiều. Nên đặt nghi ngờ tất cả những điều gì trên mạng xã hội yêu cầu làm nhiệm vụ, làm cộng tác viên.
Cụ thể, tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử (Lazada, Shopee, Tiki, Sendo). Các đối tượng hướng dẫn cộng tác viên đặt và mua hàng online để tăng tương tác cho các gian hàng, rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu hoa hồng.
Ban đầu, với các đơn hàng có giá trị nhỏ, cộng tác viên sẽ được hoàn tiền hàng và hoa hồng về tài khoản ngân hàng. Cứ như vậy cho đến khi làm nhiệm vụ với những đơn hàng có giá trị cao. Lúc này, các đối tượng lừa đảo không gửi lại tiền hàng và tiền hoa hồng ngay mà lấy lý do bảo trì hệ thống hoặc các lý do khác để yêu cầu cộng tác viên tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp theo. Sau nhiều lần thực hiện, cộng tác viên mới nhận ra mình đã bị lừa đảo.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo, chiếm tài sản cơ quan công an khuyến cáo các tổ chức và người dân cần nâng cao cảnh giác trước âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này. Khi phát hiện vụ việc nhanh chóng cung cấp thông tin cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn.