Cần làm gì khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh?
Cảm lạnh thông thường là một bệnh nhiễm virus ở mũi và cổ họng của bé. Nghẹt mũi và chảy nước mũi là những dấu hiệu chính của cảm lạnh. Nhiều người cho rằng cảm lạnh chỉ xảy ra ở trẻ lớn và người lớn, tuy nhiên trẻ sơ sinh cũng có thể gặp phải vấn đề này.
Vì sao trẻ sơ sinh cũng bị cảm lạnh?
Cảm lạnh ở trẻ sơ sinh do nhiều nguyên nhân, trong đó trẻ sơ sinh dễ bị cảm lạnh khi chưa phát triển khả năng miễn dịch đối với nhiều bệnh nhiễm khuẩn thông thường. Vì thế, trẻ sơ sinh có nguy cơ bị cảm lạnh vì chưa tiếp xúc hoặc chưa có sức đề kháng với hầu hết các loại virus gây bệnh.
Trong vòng một năm đầu đời, có nhiều trẻ nhũ nhi bị cảm lạnh và tình trạng này xảy ra nhiều hơn nếu phải ở cùng nhiều trẻ hoặc nhiều người lớn.
Thực tế cho thấy, cảm lạnh thông thường là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, có thể do một trong rất nhiều loại virrus gây ra. Trong đó có Rhinovirus là phổ biến nhất. Virus cảm lạnh thông thường xâm nhập vào miệng, mũi hoặc mắt của trẻ. Trẻ có thể bị nhiễm virus trong không khí khi người nào đó bị bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, họ có thể trực tiếp truyền virus sang cho trẻ.
Hoặc trong quá trình chăm sóc trẻ người bị cảm lạnh chạm vào tay trẻ có thể truyền virus cảm lạnh cho trẻ. Hoặc do truyền từ người khác sang người chăm sóc trẻ cũng có thể lây cho trẻ.
Biểu hiện khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh
Biểu hiện đầu tiên của cảm lạnh ở trẻ sơ sinh thường là ngạt mũi hoặc chảy nước mũi. Lúc đầu trẻ chảy mũi có thể nước trong, nhưng sau đặc lại và chuyển sang màu vàng hoặc xanh.
Ngoài ra, các biểu hiện khác của cảm lạnh thông thường ở trẻ sơ sinh có thể bao gồm: Sốt, hắt hơi , ho khan… điều này khiến trẻ khó chịu dẫn đến quấy khóc, khó ngủ, khó bú hoặc không bú do ngạt mũi
Thông thường, cảm lạnh ở trẻ sơ sinh thường không nguy hiểm, nhưng chúng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi hoặc viêm thanh khí phế quản cấp. Chính vì vậy, khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh và trẻ trong độ tuổi từ 2 đến 3 tháng tuổi nên được đưa đến khám tại các bác sĩ nhi khoa, đặc biệt là khi trẻ có sốt cao.
Tương tự, ở trẻ lớn hơn bị cảm lạnh với biểu hiện sốt cao trên 39 độ C cũng nên được đưa đi khám tại các cơ sở y tế. Và nếu trẻ sốt cao kéo dài trên 5 ngày, bố mẹ cũng nên đưa trẻ đến khám bất kể trẻ ở lứa tuổi nào.
Ngoài ra, nếu trẻ sơ sinh có biểu hiện cảm lạnh kèm theo các biểu hiện khác như: Nổi ban đỏ trên da, nôn mửa, tiêu chảy , ho dai dẳng, đờm nhiều… cũng cần phải nhập viện, vì đây có thể là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng nào đó.
Lời khuyên của bác sĩ
Cảm lạnh ở trẻ sơ sinh thường không nguy hiểm, nhưng cũng có thể gây biến chứng như: Nhiễm khuẩn tai cấp tính, viêm phổi, viêm tiểu phế quản ... Và ở trẻ có tiền sử hen suyễn thì tình trạng cảm lạnh sẽ nặng hơn. Chính vì vậy, việc phòng ngừa cảm lạnh là vô cùng quan trọng.
Để phòng ngừa cảm lạnh không cho trẻ tiếp xúc với những người bị bệnh. Cha mẹ cần để ý sau khi sinh, nếu ai đến thăm trẻ có biểu hiện bị ốm thì không nên cho tiếp xúc. Không cho trẻ ở những khu vực đông người và hạn chế ôm hôn trẻ.
Trong quá trình chăm sóc trẻ cha mẹ và người thân cần rửa tay trước khi tiếp xúc gần trẻ. Khi cho trẻ bú cần làm sạch vú mẹ và núm vú giả của trẻ.
Tóm lại: Cha mẹ và người trực tiếp chăm sóc trẻ, vì vậy khi thấy trẻ có biểu hiện bất thường, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị nếu cần.
Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hoặc bất kỳ loại thảo dược nào theo mách bảo. Cần hỏi ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa nhi trước khi cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi dùng thuốc không được kê đơn, vì có thể sẽ không an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.