Rau, thực phẩm gắn mác ‘sạch’ liệu có đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm
Càng gần Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng tăng cao. Xu hướng chọn thực phẩm an toàn vệ sinh được nhiều người đặt lên hàng đầu, nhưng những loại rau, thực phẩm được gắn mác “sạch” có thật sự an toàn cho sức khoẻ?
Sự việc gần 50% mẫu rau quả ở chợ đầu mối TP Hồ Chí Minh có dư lượng hóa chất, rau thường được hô biến thành rau VietGap để vào siêu thị… đã khiến cho dư luận xôn xao một thời gian dài. Sau sự việc, nhiều người tiêu dùng hoang mang, lo lắng không biết lựa chọn thực phẩm thế nào cho an toàn.
Chị Phạm Thị Thanh Thủy (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cho biết: "Tôi thật sự hoang mang nhưng không ăn không được, nói chung sức khỏe cho bản thân và gia đình mình là quan trọng nhất đối với tôi. Bởi thế rau dù đắt hơn giá chợ nhưng tôi vẫn lựa chọn mua ở các cửa hàng rau sạch, ít ra mình vẫn có cơ sở để đảm bảo an toàn hơn là mua hàng trôi nổi ngoài chợ".
Sau thời gian giãn cách bởi dịch COVID -19, các hoạt động du lịch, dịch vụ, nhà hàng sôi động trở lại, nhu cầu về thực phẩm tăng mạnh, tạo "mảnh đất màu mỡ" để các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm lưu thông vào thị trường.Để bảo vệ sức khỏe, tiêu chuẩn "sạch" là lựa chọn của nhiều gia đình. Theo trào lưu đó, rau sạch, thịt cá sạch, trái cây sạch… ra đời, hầu như thực phẩm nào cũng gắn với chữ "sạch" như một bảo đảm về chất lượng. Nhưng trên thực tế tình trạng "treo đầu dê, bán thịt chó…", vàng thau lẫn lộn giữa thực phẩm sạch và không sạch vẫn rất khó kiểm soát.Với suy nghĩ là mua nông sản ở các cửa hàng, siêu thị sẽ đảm bảo về chất lượng nhưng những thông tin gần đây đang khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Chị Vũ Hà Vân, sinh sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội đã quyết định không lựa chọn mua các thực phẩm "sạch" được bày bán trong các cửa hàng hoặc siêu thị, thay vào đó chị cho biết: "Tôi nhờ bà con ở dưới quê gửi rau, củ, quả và các thực phẩm như trứng, thịt lên. Người thật việc thật mới tin được, chứ nghe quảng cáo tôi cũng chưa tin".
Trên thực tế, không phải ai cũng quen biết hoặc có đầu mối thực phẩm sạch ở quê gửi ra. Trên các nền tảng mạng xã hội cũng có nhiều người rao bán đồ quê, đồ "sạch". Đặc biệt trong dịp cuối năm này, các thực phẩm handmade "sạch", quà quê "sạch", hay các đặc sản vùng miền "sạch", "ngon - bổ - rẻ" được rao bán rầm rộ hơn. Nhưng cái "sạch" này chỉ dựa vào niềm tin của người mua và người bán, cũng không hề có sự kiếm chứng chất lượng của các cơ quan chức năng. Việc người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng hoàn toàn có thể xảy ra.
Thực trạng rau, thực phẩm bẩn gắn mác "sạch" không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh chân chính vốn phải chịu chi phí nhiều hơn để có thực phẩm sạch đưa ra thị trường. Vậy làm thế nào để lựa chọn được thực phẩm an toàn, đây vẫn đang là băn khoăn của không ít người tiêu dùng?