Những lưu ý khi chọn trái cây tạo hình chưng Tết

Tô Hội 31/12/2022 07:32

Xoài thư pháp, dừa phú quý, bưởi hồ lô, dưa hấu thỏi vàng… là những trái cây độc đáo, lạ mắt của mùa Tết, người mua nên chọn trái cây trong nước để bảo quản được lâu.

Dưa hấu hình thỏi vàng, hồ lô giá tiền triệu

Nhiều năm qua, trái cây tạo hình đã trở thành "đặc sản" của địa phương. Loại sản phẩm này mất nhiều thời gian, tỉ lệ thất thoát cao nhưng bù lại, giá bán hấp dẫn, đã giúp cho nông dân có thu nhập đáng kể. Gần đây, do ảnh hưởng dịch bệnh, sản lượng trái cây tạo hình đã giảm rất lớn. Kinh tế khó khăn, sức mua cũng giảm theo. Dự báo, phải sau dịp rằm tháng Chạp, sức mua và giá mới tăng lên.

Tại Hậu Giang, năm nay toàn tỉnh chỉ có hơn 5.000 sản phẩm trái cây tạo hình phục vụ thị trường Tết mỗi năm. Hiện, giá bưởi hồ lô là 750.000 đồng/cặp, đào tiên là 1 triệu đồng/cặp… Giá mỗi cặp hoặc mỗi trái đào tiên tạo hình trên dưới 1 triệu đồng tùy chất lượng, mẫu mã (bình quân mỗi trái nặng từ 1,2 - 1,5 kg).

Những lưu ý khi chọn trái cây tạo hình chưng Tết - Ảnh 2.

Thị trường trái cây tạo hình chưng Tết khá phong phú.

Trước kia hầu hết các ruộng trồng dưa hấu hoàng kim đều được tạo hình vì kỹ thuật khá dễ, chỉ cần mua khuôn sẵn, thay khuôn định kỳ là có thể tạo ra trái dưa đẹp, lạ. Tuy nhiên, sau thời gian dịch bệnh, nhiều nông dân đã không đầu tư sản xuất dưa độc lạ mà chỉ trồng dưa hoàng kim thông thường vì dễ bán hơn.

Tại Bến Tre, anh Huỳnh Thanh Tâm (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành) là người đầu tiên sáng tạo vẽ thư pháp trên trái dừa. Mùa Tết mỗi năm, anh Tâm tạo ra hơn 1.000 trái dừa, trong đó dừa tròn (hình dáng tự nhiên) có giá từ 250.000 đồng, dừa hồ lô từ 400.000 đồng/trái trở lên.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành (Tiền Giang), nếu tết năm trước, toàn huyện có khoảng 5.700 trái tạo hình, thư pháp phục vụ thị trường thì năm nay số lượng giảm đáng kể. Theo thống kê của địa phương đến thời điểm đầu tháng 1, toàn huyện có khoảng 1.500 trái tạo hình các loại, trong đó có khoảng 500 trái bưởi tạo hình, 80 trái đu đủ thư pháp, 250 trái đào tiên hồ lô, 500 trái xoài thư pháp và 200 trái dừa chưng tết. Riêng bưởi hồ lô tạo hình và đu đủ thư pháp đã hết hàng từ đầu tháng 1.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất bưởi hồ lô nhà vườn Phú Hữu Thành (huyện Châu Thành, Hậu Giang), cho biết trải qua 3 năm ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các hộ sản xuất mặt hàng này gặp khó khăn. Nhiều hộ không đủ chi phí canh tác do giá bưởi xuống thấp nên đã chuyển sang những cây trồng khác, số còn lại năm nay cũng chỉ sản xuất 200-300 trái bưởi tạo hình vì đầu ra không còn tốt như trước đây.

Không nên mua quả tạo hình nhập ngoại

Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tạo hình trái cây ấp Phú Trí A (xã Phú Tân, Châu Thành, Hậu Giang), để làm ra trái bưởi có tạo hình phải rất kỳ công. Từ khâu bưởi ra hoa, phải làm sao bộ lá của nó cũng phải thẳng đứng, đẹp. Khó nhất là khâu tạo hình, định hình quả.

Khi quả được khoảng 1,5 đến 2 tháng kể từ ngày đỗ nhụy thì tiến hành định hình. Sau đó, dùng dây xé (có một mặt nhung, một mặt gai) để cuốn quanh trái bưởi, đồng thời lấy cuộn dây thép cố định lại.

Những lưu ý khi chọn trái cây tạo hình chưng Tết - Ảnh 3.

Bưởi hồ lô tạo hình là sản phẩm nổi tiếng vùng Hậu Giang.

"Chờ khoảng 3 – 4 tuần thì cho bưởi vào khuôn. Khi bưởi đã "có eo" thì vô khuôn nhựa đã sản xuất từ trước, ốp vào trái bưởi và cố định lại. Công đoạn cuối là chăm sóc. Việc chăm sóc rất tỉ mỉ, chỉ cần sơ sểnh là trái sẽ hỏng. Tỉ lệ quả hỏng khá cao. Vì thế mà giá thành cao", ông Võ Trung Thành cho biết.

Theo ông Thành, mấy năm gần đây thị trường xuất hiện loại quả tạo hình có giá rẻ bằng một nửa, thậm chí rẻ bằng 1/4 so với sản phẩm trong nước. Có thể kể đến như dưa lê thần tài, dưa hấu hồ lô, dừa tứ quý… Để có giá rẻ như vậy, khả năng cao là nhà vườn sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng để tạo hình nhanh. Sản phẩm có hình thức đẹp, nhưng chất lượng thấp và rất nhanh hỏng, không nên mua.

Khi được hỏi chất kích thích để tạo hình trái cây có thể là những chất gì thì gần như các nhà khoa học về hóa học và cây ăn quả đều không thể lý giải. Theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội, các hóa chất trong nông nghiệp hiện có rất nhiều. Để làm cho quả phát triển nhanh, họ có thể dùng thuốc tăng trưởng, rồi để giữ được lâu thì có thể dùng chất bảo quản, rất khó biết là chất gì nếu không phân tích cụ thể.

"Hiện có nhiều loại thuốc kích thích sinh trưởng cho quả. Để quả nhanh tạo hình, có thể người ta sử dụng liên tục thuốc kích thích này, đến thời điểm quả tạo hình ưng ý thì đem bán. Chất lượng loại quả này chắc chắn sẽ rất thấp. Nếu quả lại tiêm đường, ngâm hóa chất bảo quản thì càng độc hại nữa", ông Võ Trung Thành cho biết.

Chất lượng của loại trái cây tạo hình giá rẻ thế nào, có sử dụng chất bảo quản hay không thì chưa kiểm soát được. Nhiều chuyên gia khuyến cáo, trái cây tạo hình nhập khẩu chỉ để trưng bày cho đẹp chứ không nên ăn, bởi còn nhiều câu hỏi chưa rõ về quy trình tạo ra loại trái cây tạo hình giá rẻ này.

"Nhưng trái cây thờ cúng tổ tiên , ngoài yếu tố đẹp, thì nó phải là của ngon vật lạ, là lễ vật của lòng thành. Đồ cúng ngoài việc sạch sẽ, phải tươi ngon để thể hiện sự kính trọng đến ông bà, tổ tiên. Nếu cúng những trái cây không đạt chất lượng, hoặc biết chắc chắn là không ăn được, thì theo truyền thống của người Việt sẽ là không nên", ông Võ Trung Thành nói. 

Tô Hội