Hai trẻ nhỏ bị bố sát hại ở Điện Biên: Giải pháp để người mắc bệnh tâm thần không còn là "nguồn nguy hiểm cao độ" trong xã hội ?

Bình Minh 29/12/2022 14:24

Người mắc bệnh tâm thần thực sự là "nguồn nguy hiểm cao độ", nếu không được kiểm soát và chữa trị kịp thời thì có thể gây ra nguy hiểm cho bất kỳ ai.

Một vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra trên địa bàn bản Kéo (xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) khiến 2 trẻ nhỏ tử vong. Theo ông Lường Văn Thế- Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ (huyện Điện Biên Đông), vụ việc đau lòng xảy ra tại nhà Lường Văn Châu (SN 1995, trú tại bản Kéo).

Vào thời điểm trên, Châu đã dùng dao nhọn của gia đình đâm vào phần bụng 2 con ruột của mình là cháu H (SN 2019) và cháu H (SN 2021). Do vết thương quá nặng đã làm 2 cháu nhỏ tử vong tại chỗ. Thời điểm xảy ra án mạng trong nhà có vợ chồng Châu, 2 con nhỏ và 1 người cháu. Được biết, vợ chồng Châu có 3 con, hiện 1 cháu đang học tiểu học và ăn ở bán trú tại trường.

Một số người thân trong gia đình cho biết, thời gian gần đây, Châu có biểu hiện của bệnh tâm thần. Thời điểm xảy ra án mạng, 2 vợ chồng cũng không xảy ra mâu thuẫn gì. Gia đình Châu thuộc diện hộ nghèo của xã, đối tượng không có công ăn việc làm ổn định và thỉnh thoảng đi làm thuê.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã có mặt tại hiện trường, thông báo cho các lực lượng chức năng tạm giữ Châu để điều tra làm rõ nguyên nhân.

Hai trẻ nhỏ bị bố sát hại ở Điện Biên: Giải pháp để người mắc bệnh tâm thần không còn là

Hiện trường vụ việc (ảnh TL)

Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Uỷ viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ, một người cha "bình thường" sẽ không bao giờ có hành động liền một lúc sát hại cả hai con đẻ của mình như vậy. Đây là một vụ việc rất thương tâm khi cả hai cháu nhỏ đều bị tử vong do chính bố đẻ của mình sát hại. Rất đau đớn là hai cháu bé còn quá nhỏ tuổi, không có khả năng tự vệ và hành vi sát hại các cháu bé là rất nhẫn tâm.

Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, xác định khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của người đàn ông này và làm rõ những mâu thuẫn trong gia đình (nếu có) để xác định yếu tố chủ quan đối với hành vi giết người.

Thông thường đối với những đứa trẻ ở độ tuổi hai tuổi, ba tuổi như vậy thì cha mẹ rất yêu thương, cưng chiều, không có người cha, người mẹ nào lại cố ý gây tổn thương cho những đứa trẻ còn quá bé bỏng như vậy. Người xưa thường nói: "hổ dữ cũng không nỡ ăn thịt con" nên việc cha mẹ sát hại con đẻ của mình thường có những nguyên nhân đặc biệt, trong đó không ít trường hợp cha mẹ là người tâm thần nên không nhận thức được hành vi của mình. 

Với những trường hợp sát hại con do mâu thuẫn vợ chồng, hoặc do bực tức với con cái thường không nhiều và đó thường là những mâu thuẫn quá lớn, đến mức người cha, người mẹ mất kiểm soát hành vi của mình do bực tức. Việc người cha dùng dao sát hại hai đứa con còn quá nhỏ như vậy thì đó là hành động rất nhẫn tâm và hiếm khi xảy ra trên thực tế.

Cơ quan điều tra sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai của nghi phạm và những người làm chứng, thu thập các dấu vết để lại trên hiện trường vụ án để xác định nguyên nhân sự việc. Đặc biệt trong quá trình làm việc, cơ quan điều tra sẽ làm rõ khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của người đàn ông này để xác định người này có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức hay không.

Hai trẻ nhỏ bị bố sát hại ở Điện Biên: Giải pháp để người mắc bệnh tâm thần không còn là

Theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Uỷ viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, kiểm soát người mắc bệnh tâm thần trong xã hội là cần thiết nhằm để bảo trật tự, an toàn xã hội nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc cho xã hội

Để làm sáng tỏ vụ án thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 (BLHS 2015) nhằm tiến hành điều tra, thực hiện các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật. Trong quá trình điều tra vụ án nếu có căn cứ cho thấy nghi phạm có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần thì sẽ tiến hành trưng cầu giám định tâm thần theo quy định pháp luật.

Trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy người đàn ông này đã mất khả năng nhận thức tại thời điểm thực hiện hành vi sát hại hai cháu bé thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ giải quyết vụ án và áp dụng biện pháp hành chính là bắt buộc chữa bệnh đối với người đàn ông này.

Trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy người đàn ông này chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi nhưng do bực tức, mâu thuẫn với những thành viên trong gia đình nên đã có hành vi sát hại các cháu bé thì người này sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Hành vi có tính chất côn đồ; vì động cơ đê hèn; giết người dưới 16 tuổi; giết hại người... nên sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Những thông tin về biểu hiện diễn biến tâm lý, hành vi của người đàn ông này trước thời điểm thực hiện hành vi sát hại hai cháu bé và mối quan hệ giữa người đàn ông này với những người trong gia đình và những thông tin quan trọng để xác định nguyên nhân sự việc. Nếu người đàn ông này không có mâu thuẫn gì lớn đối với các thành viên trong gia đình, nhưng có biểu hiện diễn biến tâm lý bất thường thì cần phải trưng cầu giám định tâm thần để xác định năng lực pháp luật của đối tượng làm căn cứ giải quyết theo quy định pháp luật.

Trường hợp kết quả giải quyết vụ việc cho thấy người này mắc bệnh tâm thần dẫn đến sát hại hai con đẻ của mình thì đây là một câu chuyện hết sức đau lòng và đó là một bài học cảnh tỉnh cho gia đình, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong việc quản lý người mắc bệnh tâm thần.

"Người mắc bệnh tâm thần thực sự là "nguồn nguy hiểm cao độ", nếu không được kiểm soát và chữa trị kịp thời thì có thể gây ra nguy hiểm cho bất kỳ ai. Khi mắc bệnh tâm thần thì người ta không làm chủ được cảm xúc và hành vi, không nhận thức được hành vi của mình nên có thể gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của bản thân và bất kỳ ai, đặc biệt là với trẻ trẻ em và người già, những người không yếu thế, không có khả năng tự vệ.

Bởi vậy, để giảm thiểu được những vụ án mạng, để bảo vệ tính mạng sức khỏe của người dân thì việc phát hiện, điều trị người mắc bệnh tâm thần, kiểm soát người mắc bệnh tâm thần trong xã hội là cần thiết để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo người mắc bệnh được chữa trị, kiểm soát kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc cho xã hội", Tiến sĩ Đặng Văn Cường chia sẻ.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.


Bình Minh