Phạm vi hoạt động ngoại hối của ngân hàng thương mại

13/12/2023 13:45

Xin hỏi về phạm vi hoạt động ngoại hối của ngân hàng thương mại trên thị trường trong nước và quốc tế? - Hoài Lâm (Nghệ An)

Ngoại hối bao gồm những gì?

Căn cứ Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối 2005 quy định ngoại hối bao gồm:

- Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ);

- Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác;

- Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác;

- Vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;

- Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.

Phạm vi hoạt động ngoại hối của ngân hàng thương mại

Phạm vi hoạt động ngoại hối của ngân hàng thương mại (Hình từ internet)

Phạm vi hoạt động ngoại hối của ngân hàng thương mại

(1) Phạm vi hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước

- Thực hiện các giao dịch mua bán ngoại tệ giao ngay.

- Thực hiện các giao dịch mua, bán ngoại tệ kỳ hạn, giao dịch hoán đổi ngoại tệ, giao dịch quyền chọn mua, bán ngoại tệ.

- Nhận tiền gửi, cho vay bằng ngoại tệ đối với các khách hàng không phải là tổ chức tín dụng.

- Bao thanh toán và bảo lãnh bằng ngoại tệ.

- Phát hành, đại lý phát hành thẻ ngân hàng quốc tế, thanh toán, đại lý thanh toán thẻ ngân hàng quốc tế.

- Cung cấp các dịch vụ chuyển tiền và thanh toán bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam; Dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ.

- Mua, bán, chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác bằng ngoại tệ.

- Giao cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác hoặc tổ chức kinh tế làm đại lý cung ứng một số dịch vụ ngoại hối, bao gồm dịch vụ đổi ngoại tệ, dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ.

- Cung cấp các dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản bằng ngoại hối; Nhận ủy thác cho vay bằng ngoại tệ.

- Đại lý phát hành giấy tờ có giá bằng ngoại tệ.

- Cung ứng các dịch vụ tư vấn cho khách hàng về ngoại hối.

- Mở tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác được phép hoạt động ngoại hối.

- Vay vốn, cho vay bằng ngoại tệ với các tổ chức tín dụng được phép khác, tổ chức tài chính trong nước.

- Gửi tiền, nhận tiền gửi bằng ngoại tệ với các tổ chức tín dụng được phép khác.

- Mở tài khoản thanh toán cho tổ chức tín dụng nước ngoài.

- Nhận tiền gửi bằng ngoại tệ từ tổ chức tín dụng nước ngoài.

- Thực hiện các giao dịch phái sinh lãi suất và các giao dịch phái sinh khác liên quan đến ngoại hối trên thị trường trong nước theo nguyên tắc quy định.

- Thực hiện các hoạt động ngoại hối khác trên thị trường trong nước ngoài các hoạt động quy định từ nêu trên theo nguyên tắc quy định.

(2) Phạm vi hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế:

- Thanh toán, chuyển tiền quốc tế.

- Mua, bán ngoại tệ giao ngay trên thị trường quốc tế.

- Thực hiện các giao dịch mua, bán ngoại tệ kỳ hạn, giao dịch hoán đổi ngoại tệ với tổ chức tài chính nước ngoài nhằm mục đích phòng ngừa, hạn chế rủi ro đối với hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn, giao dịch hoán đổi ngoại tệ đã giao kết và thực hiện với khách hàng trong nước.

- Bao thanh toán quốc tế và bảo lãnh bằng ngoại tệ.

- Cho vay ra nước ngoài đối với khách hàng không phải là tổ chức tín dụng.

- Gửi ngoại tệ ở nước ngoài (bao gồm tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi không kỳ hạn).

- Thực hiện các giao dịch phái sinh lãi suất và các giao dịch phái sinh khác liên quan đến ngoại hối trên thị trường quốc tế theo nguyên tắc quy định.

- Thực hiện các hoạt động ngoại hối khác trên thị trường quốc tế ngoài các hoạt động nêu trên theo nguyên tắc quy định.

(3) Các hoạt động ngoại hối khác trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế

- Ngân hàng Nhà nước xem xét, cho phép ngân hàng thương mại thực hiện có thời hạn các hoạt động ngoại hối khác trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế đối với từng sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm cụ thể, bao gồm các hoạt động ngoại hối khác trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế ngoài các hoạt động ngoại hối nêu tại điểm (1) và (2).

- Sau khi hết thời hạn được phép thực hiện các hoạt động ngoại hối khác trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế tại văn bản chấp thuận có thời hạn, trường hợp có nhu cầu tiếp tục thực hiện, trên cơ sở đáp ứng đủ điều kiện và hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 10 và khoản 5 Điều 11 Thông tư 21/2014/TT-NHNN và các quy định có liên quan của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước xem xét, cho phép thực hiện các hoạt động ngoại hối này tại văn bản gia hạn văn bản chấp thuận có thời hạn.

Căn cứ: Điều 5 và Điều 6 Thông tư 21/2014/TT-NHNN; Khoản 5, 6 và 7 Điều 1 Thông tư 28/2016/TT-NHNN.