Bộ máy quản lý tài chính công đoàn cơ sở
Bộ máy quản lý tài chính công đoàn cơ sở gồm những ai? Nhiệm vụ của bộ máy quản lý tài chính công đoàn cơ sở gồm những gì? – Thế Hùng (Bình Thuận)
Bộ máy quản lý tài chính công đoàn cơ sở (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
1. Bộ máy quản lý tài chính công đoàn cơ sở gồm những ai?
Bộ máy quản lý tài chính công đoàn cơ sở gồm chủ tài khoản, kế toán và thủ quỹ.
- Chủ tịch công đoàn cơ sở là chủ tài khoản. Đối với Công đoàn cơ sở có đông đoàn viên, người lao động Chủ tịch công đoàn cơ sở có thể phân công Phó Chủ tịch hoặc ủy viên thường vụ phụ trách công tác tài chính và ủy quyền chủ tài khoản.
- Ban Chấp hành (Ban Thường vụ) công đoàn cơ sở phân công người có nghiệp vụ kế toán làm kiêm nhiệm kế toán, kiêm nhiệm thủ quỹ công đoàn (công đoàn cơ sở không được bố trí Chủ tài khoản kiêm kế toán; kế toán kiêm thủ quỹ). Đối với công đoàn cơ sở có tổ chức bộ máy kế toán (có 2 kế toán viên trở lên), Ban Chấp hành công đoàn cơ sở phân công người làm nhiệm vụ kế toán trưởng.
- Công đoàn bộ phận phân công 01 ủy viên Ban chấp hành công đoàn bộ phận trực tiếp phụ trách công tác tài chính để tổ chức thu, nộp đoàn phí; thanh quyết toán các khoản chi tiêu với công đoàn cơ sở theo phân cấp của công đoàn cơ sở.
(Mục I.1 Hướng dẫn 47/HD-TLĐ năm 2021)
2. Nhiệm vụ của bộ máy quản lý tài chính công đoàn cơ sở
- Lập dự toán thu, chi tài chính công đoàn cơ sở gắn với chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm trình Ban Chấp hành (Ban Thường vụ) công đoàn cơ sở thông qua, báo cáo công đoàn cấp trên xét duyệt.
- Tổ chức thực hiện dự toán: Đôn đốc đoàn viên đóng đoàn phí; đôn đốc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn; xây dựng Quy chế thu, chi, quản lý tài chính, tài sản nội bộ của công đoàn cơ sở trình Ban Chấp hành công đoàn cơ sở phê duyệt; tổ chức chi tiêu phục vụ hoạt động của công đoàn cơ sở theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn và Quy chế thu, chi, quản lý tài chính, tài sản nội bộ của công đoàn cơ sở. Đoàn phí công đoàn do tổ trưởng công đoàn trực tiếp thu và nộp cho công đoàn bộ phận hoặc công đoàn cơ sở. Trường hợp thu đoàn phí qua lương, công đoàn cơ sở quy định việc nộp tiền đoàn phí đã thu cho công đoàn cơ sở theo đúng quy định.
- Làm công tác kế toán: lập chứng từ thu, chi; mở sổ, ghi sổ kế toán; lập báo cáo quyết toán thu, chi tài chính hàng năm trình Ban Chấp hành (Ban Thường vụ) công đoàn cơ sở thông qua để gửi lên công đoàn cấp trên.
- Lưu trữ chứng từ, sổ kế toán, báo cáo tài chính, thực hiện bàn giao kế toán khi thay đổi chủ tài khoản, kế toán, thủ quỹ; hướng dẫn nghiệp vụ cho mạng lưới tài chính của công đoàn cơ sở (bộ phận, tổ công đoàn).
- Cung cấp tài liệu kế toán phục vụ công tác kiểm tra công đoàn đồng cấp, công đoàn cấp trên, của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
(Mục I.2 Hướng dẫn 47/HD-TLĐ năm 2021)
3. Nguyên tắc chung trong công tác kế toán công đoàn cơ sở
- Công đoàn cơ sở thực hiện kế toán ghi đơn (không đối ứng tài khoản). Trường hợp các CĐCS có tổ chức bộ máy kế toán thực hiện chế độ kế toán theo Hướng dẫn 22/HD-TLĐ ngày 29/04/2021 của Tổng Liên đoàn về thực hiện chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp trong các đơn vị kế toán công đoàn.
- Các khoản thu, chi tài chính của công đoàn cơ sở phải được ghi chép, phản ánh đầy đủ, kịp thời vào sổ kế toán. Kế toán phải tuân thủ quy định của Luật Kế toán, chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp và quy định của Tổng Liên đoàn về chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính, bàn giao kế toán,...
- Năm tài chính từ 01/01 - 31/12 hàng năm. Đơn vị tiền tệ ghi sổ kế toán là Đồng Việt Nam. Đối với những công đoàn cơ sở mới thành lập, năm tài chính đầu tiên của công đoàn cơ sở mới thành lập được xác định từ thời điểm thành lập đến ngày 31/12 của năm đó.
(Mục III.1 Hướng dẫn 47/HD-TLĐ năm 2021)
>>> Xem thêm Hướng dẫn công tác kế toán công đoàn cơ sở mới nhất TẠI ĐÂY