Sáng 24/12: Hơn 50 ca COVID-19 nặng đang điều trị; cảnh báo về sự lưu hành hơn 500 biến thể phụ của Omicron
Ca mắc mới COVID-19 và bệnh nhân nặng đều tăng nhẹ, Bộ Y tế yêu cầu cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới; Thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc.
Ca mắc COVID-19 và bệnh nhân nặng đều tăng
Bộ Y tế cho biết, ngày 23/12 có 312 ca mắc COVID-19, tăng thêm 100 ca so với ngày trước đó ; trong ngày ghi nhận 2 bệnh nhân COVID-19 tử vong. Đây là ngày ghi nhận bệnh nhân tử vong cao nhất so với khoảng 10 ngày nay.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.524.093 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.460 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.610.692 ca, trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 52 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 44 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 2 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 5 ca. Số bệnh nhân nặng này tăng nhẹ so với các ngày trước đó.
Phòng chống COVID-19 song song với các dịch bệnh truyền nhiễm, mới nổi
Về tình hình phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta, báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tại phiên họp lần thứ 19 của Ban Chỉ đạo diễn ra chiều ngày 23/12 cho thấy dịch bệnh được dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới.
Ngày 02/12/2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về sự lưu hành hơn 500 biến thể phụ của Omicron, có khả năng lây truyền cao và tránh được hệ miễn dịch. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.
Thời gian tới là dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Bộ Y tế yêu cầu cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19.
Tập trung tăng cường công tác phòng, chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, Adenovirus, cúm, cúm gia cầm, đậu mùa khỉ...; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả.
Các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2023; chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới đến ngày 23/12 là hơn 660,5 triệu ca , trên 6,6 triệu ca tử vong. Ngày 14/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca tử vong do COVID-19 hằng tuần hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với một năm trước, nhưng vẫn còn ở mức cao và Ủy ban Khẩn cấp về dịch COVID-19 thuộc WHO dự kiến sẽ thảo luận về các tiêu chí để tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp tại cuộc họp của ủy ban vào tháng 1/2023.
Ngày 21/12, Trung Quốc tuyên bố nước này không có trường hợp mới nào tử vong do COVID-19 vào ngày trước đó , sau khi thay đổi tiêu chí về cách tính ca tử vong. Theo đó, Trung Quốc công bố chỉ tính những trường hợp tử vong do suy hô hấp bởi virus SARS-CoV-2. Trước đó, người tử vong vì bệnh nền trong khi mắc COVID-19 vẫn được tính là tử vong do COVID-19.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết từ ngày 14/12, nước này chính thức ngừng báo cáo các trường hợp COVID-19 không có triệu chứng vì khó có thể đánh giá số người nhiễm bệnh không có triệu chứng khi không có số liệu thống kê xét nghiệm.
Sau khi nới lỏng các yêu cầu về xét nghiệm và cho phép người mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng tự cách ly tại nhà, chính sách ứng phó với dịch COVID-19 của Trung Quốc chuyển trọng tâm sang đảm bảo cung ứng đủ vật tư y tế cũng như củng cố hệ thống y tế quốc gia đề phòng nguy cơ quá tải.