Giữ tiền lương tối thiểu vùng như hiện hành hay tăng vào năm tới?
Hội đồng Tiền lương quốc gia dự kiến họp phiên 2 về thương lượng tăng lương tối thiểu vùng vào ngày 20/12. Hiện bộ phận kỹ thuật của hội đồng vẫn chưa đưa ra báo cáo đánh giá, đề xuất về tiền lương tối thiểu vùng sẽ giữ như hiện hành, hay tăng vào năm tới.
Ngày 20/12: Hội đồng tiền lương quốc gia họp phiên 2 về lương tối thiểu vùng
Theo Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên thứ 2 bàn về phương án lương tối thiểu vùng năm 2024 vào ngày 20/12.
Thông tin về cuộc họp cũng được các bên tham gia từ phía công đoàn và đại diện giới chủ xác nhận thư mời họp.
Hiện bộ phận kỹ thuật của hội đồng vẫn chưa đưa ra báo cáo đánh giá, đề xuất về tiền lương tối thiểu vùng sẽ giữ như hiện hành, hay tăng vào năm tới.
Theo thông lệ, mỗi kỳ họp Hội đồng tiền lương diễn ra 2-3 phiên. Phương án và thời điểm tăng lương thường được chốt trong phiên họp thứ ba, nhanh nhất vào phiên thứ hai, khi các bên tìm được tiếng nói chung.
Tại phiên họp đầu tiên vào đầu tháng 8, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất hoãn thương lượng tăng lương tối thiểu đến cuối năm nay mới bàn thảo tiếp về thời điểm và mức tăng.
Nguyên nhân là kinh tế sụt giảm khiến hơn nửa triệu lao động mất việc, giảm giờ làm, CPI 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát tăng 4,74%.
Phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tăng khoảng 5- 6%, tức tiền lương tương ứng thấp nhất 195.000 đồng với vùng IV và 280.000 đồng với vùng I.
Còn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng tìm kiếm đơn hàng, giữ được việc cho lao động cấp thiết hơn tăng lương.
Việc tăng lương tối thiểu vùng phụ thuộc nhiều vào sức khoẻ của doanh nghiệp
Theo các chuyên gia lao động, nếu vòng 2 cuộc họp diễn ra thuận lợi thì theo quy trình văn bản, lấy ý kiến, khả năng tăng vào 1/7/2024. Tuy nhiên, việc tăng lương tối thiểu vùng phụ thuộc nhiều vào sức khoẻ của doanh nghiệp.
Theo Nghị định số 38, mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng từ 1/7/2022 đến hết ngày 30/12/2023 theo 4 vùng gồm: Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng; vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng và vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng.
Về mức lương tối thiểu giờ, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Theo báo cáo trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam vừa qua, trong 5 năm qua, Công đoàn Việt Nam đã đề xuất nâng mức lương tối thiểu vùng tăng 25,34%. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giải thích đây là con số cộng dồn có tính cơ học.
Trong khi đó, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ ra rằng lương tối thiểu danh nghĩa do Chính phủ quy định, còn lương thực tế có tính đến tác động của lạm phát và sức mua.
Giai đoạn 2015-2022, Việt Nam điều chỉnh lương tối thiểu với quỹ đạo đi lên, từ 119 USD tháng 12/2015 lên 168 USD vào tháng 12/2022.
Lần gần nhất điều chỉnh ngày 1/7/2022 với mức trung bình 6% sau hai năm rưỡi trì hoãn vì đại dịch COVID-19.Song lạm phát tăng khiến giá trị thật của tiền lương tối thiểu không tăng nhiều.
ILO thống kê thời kỳ 2015-2019, lương tối thiểu danh nghĩa tăng 42,7% song lạm phát khiến tiền lương thực tế chỉ tăng 20,1%. Giai đoạn 2020 -2022, lương tối thiểu điều chỉnh trên 6%, song tiền lương thực tế chỉ tăng 0,7%.