Bất chấp 'lệnh' cấm, thiết bị kích sóng điện thoại vẫn được bán tràn lan, giá chỉ hơn 100.000 đồng

01/12/2023 06:32

GĐXH - Mặc dù nằm trong danh mục hàng hóa không được tự ý sử dụng nhưng thiết bị kích sóng điện thoại vẫn được rao bán công khai, giá chỉ hơn 100.000 đồng/bộ.

Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định rõ mức xử phạt hành chính từ 20 – 70 triệu đồng nếu cá nhân/đơn vị tự ý lắp đặt các thiết bị kích sóng điện thoại, gây ảnh hưởng đến mạng viễn thông cố định và chỉ có doanh nghiệp cung cấp dịch vị viễn thông di động, có giấy phép sử dụng băng tần thì mới được sử dụng các thiết bị kích sóng điện thoại trong hệ thống mạng.

Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên Chuyên trang Gia đình & Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) ngày 4/11, các thiết bị kích sóng điện thoại vẫn được rao bán tràn lan với nhiều mức giá khác nhau.

Bất chấp 'lệnh' cấm, thiết bị kích sóng điện thoại vẫn được bán tràn lan, giá chỉ hơn 100.000 đồng - Ảnh 2.

Thông tin rao bán công khai sản phẩm "ăng ten phát sóng cho thiết bị kích sóng 2G 3G 4G, phát sóng cho điện thoại" rao bán công khai trên sàn TMĐT Lazada.

Chỉ cần gõ cụm từ "thiết bị kích sóng di động" trên thanh công cụ tìm kiếm Google, chỉ trong 0,26 giây đã cho khoảng 34,5 triệu kết quả về các sản phẩm hỗ trợ kích sóng di động khác nhau, với những lời quảng cáo, như: Kích mạng điện thoại tòa nhà quy mô nhỏ; kích sóng điện thoại giá rẻ, uy tín; bộ kích sóng điện thoại chất lượng… với vô số mẫu mã, kiểu dáng.

Đáng chú ý, trong kết quả tìm kiếm trên đều có các thiết bị lặp thông tin di động, kích sóng không có chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số công bố bị cấm bán, thuộc các nhãn hiệu như: Pro DM1; DM2 Pro; Pro DM1/DM2/DM; ST960; GSM FTECH 930; GSM AT-980; ELE AT-980; ANTN889-340-01; ANTN889-085-01; ANTN889-305-01; ANTN889-230-01; Model DM2; Lintratek KW20L-GWYT-7001; SDAS; ATNJ-GM-80-27; KW20L-GW; GSM 980, RF-1000; GS-AL, RF 2000…

Theo thông tin giới thiệu sản phẩm của website dientuphongvu.com, sản phẩm "Bộ ổn định - kích sóng điện thoại 2-3-4G Pro DM1 Phong Vũ" đang được website này rao bán công khai 3.499.000 đồng/bộ.

Bất chấp 'lệnh' cấm, thiết bị kích sóng điện thoại vẫn được bán tràn lan, giá chỉ hơn 100.000 đồng - Ảnh 3.

Trên website dientuphongvu.com, thiết bị kích sóng điện thoại nằm trong danh mục cấm lưu hành của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế được rao bán công khai 3.499.000 đồng/bộ.

Với sản phẩm DM2 Pro, website banoka.vn khẳng định: "Bộ kích sóng điện thoại 3G/4G DM2 PRO là giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng nhà mạng tín hiệu sóng di động không ổn định khiến quá trình sử dụng các thiết bị điện thoại trong tòa nhà bị khó khăn, đặc biệt là trong các toà nhà quy mô nhỏ như quán ăn/ quán bi-a/quán bia/nhà hàng karaoke/hầm khách sạn/nhà nghỉ".

Theo thông tin trên website, banoka.vn thuộc sở hữu của Công ty TNHH phát triển thương mại Banoka (ở 8/335 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội). Liên hệ tư vấn nhanh qua số điện thoại hotline, đại diện công ty này cho biết, sản phẩm DM2 PRO có giá bán công khai là 1,9 triệu đồng, có xuất xứ từ Trung Quốc và bảo hành 12 tháng.

Bất chấp 'lệnh' cấm, thiết bị kích sóng điện thoại vẫn được bán tràn lan, giá chỉ hơn 100.000 đồng - Ảnh 4.

Trên website banoka.vn, thiết bị kích sóng điện thoại DM2 Pro không được công khai giá nhưng khi liên hệ theo số hotline 0976842030, sản phẩm này được báo giá 1,9 triệu đồng/bộ.

Trong vai người tìm hiểu về sản phẩm kích sóng điện thoại, anh N.V.M - một "trùm" cung cấp các thiết bị điện tử cho biết, hầu hết đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chỉ cần sử dụng 1 đầu thu BTS đặt ở ngoài nhà, hoặc những nơi có sóng mạnh. Sau đó nối dây vào thiết bị chuyển đổi. Đầu ra trên thiết bị chuyển đổi gắn với đầu phát đặt trong nhà là sóng điện thoại khỏe.

Theo anh M, khách hàng tìm mua sản phẩm này chủ yếu là các lái xe, người thường xuyên bán hàng online hoặc người sinh sống trong các tòa nhà cao tầng, tầng hầm, du thuyền… nơi điện thoại có tín hiệu kém.

Cũng theo anh M, trước đây, các sản phẩm kích sóng điện thoại có giá rất cao, nhưng hiện nay, công nghệ hiện đại hơn, sản phẩm cũng ra đời với kích thước nhỏ hơn với giá rẻ hơn từ 200.000 đồng đến hơn 3 triệu đồng, để tiện sử dụng trong quy mô gia đình.

Bất chấp 'lệnh' cấm, thiết bị kích sóng điện thoại vẫn được bán tràn lan, giá chỉ hơn 100.000 đồng - Ảnh 5.

Cận cảnh một sản phẩm kích sóng điện thoại được rao bán công khai.

Trước tình trạng nhiều người dân tự ý lắp đặt/mua bán thiết bị kích sóng di động, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, người dân không được tự ý lắp đặt hay sử dụng thiết bị kích sóng.

Trường hợp tự ý lắp đặt, sử dụng thiết bị kích sóng gây nhiễu có hại đối với mạng viễn thông di động công cộng, người lắp đặt trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến 30 triệu đồng và tịch thu tang vật, phương tiện thực hiện. Người kinh doanh thiết bị cũng bị xử phạt vi phạm hành chính đến 50 triệu đồng.

Bất chấp 'lệnh' cấm, thiết bị kích sóng điện thoại vẫn được bán tràn lan, giá chỉ hơn 100.000 đồng - Ảnh 6.

Theo anh M, hầu hết đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ảnh: NVCC

Được biết, thời gian qua, Cục Tần số vô tuyến điện đã thanh kiểm tra sử dụng tần số do có nhiều vụ kẻ gian sử dụng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn lừa đảo, hoặc người dân sử dụng các thiết bị không hợp quy, phát sóng gây nhiễu tín hiệu khóa thông minh.

Cục Tần số vô tuyến điện đã phát hiện và xử phạt 17 vụ vi phạm, đồng thời giải quyết nhiễu cho 108 đài vô tuyến điện bị nhiễu, chủ yếu là trạm gốc di động.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng vừa yêu cầu các sàn thương mại điện tử gỡ bỏ các thiết bị kích sóng điện thoại di động không có chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy.

Thiết bị kích sóng di động là loại thiết bị vô tuyến điện hoạt động theo nguyên lý thu sóng tại nơi có cường độ sóng tốt rồi chuyển tiếp, khuếch đại và phát lại ở nơi có sóng yếu, nhằm cải thiện cường độ sóng.

Ngoài ra, việc các cá nhân tự ý lắp đặt thiết bị kích sóng di động có thể sẽ gây can nhiễu, khó khăn trong việc kết nối các cuộc gọi của các thuê bao di động khác trong khu vực. Thậm chí, các thiết bị này có thể ảnh hưởng tới trạm thu phát sóng di động của các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất công cộng...

Nhằm ngăn ngừa việc gây nhiễu có hại tới mạng thông tin di động, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề nghị các doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm trên website và ứng dụng thương mại điện tử như phản ánh.

Đồng thời, triển khai các biện pháp kỹ thuật, nhân sự kiểm duyệt… nhằm ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm vi phạm như đã phản ánh trên website và ứng dụng theo quy định.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đề nghị người dân, doanh nghiệp nếu phát hiện các website bán các sản phẩm vi phạm nêu trên thì gửi thông tin về Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để có phương án giải quyết.