Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hiện nay là ai?
Tôi muốn biết hiện nay ai đang là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ? Tiêu chuẩn của chức danh này được quy định thế nào? – Hữu Thành (Kiên Giang)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hiện nay là ai? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Văn phòng Chính phủ là cơ quan gì?
Văn phòng Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là bộ máy giúp việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ có chức năng tham mưu tổng hợp, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (bao gồm các Phó Thủ tướng Chính phủ) tổ chức các hoạt động chung của Chính phủ, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở, bảo đảm thống nhất, thông suốt, liên tục của nền hành chính quốc gia; kiểm soát thủ tục hành chính; bảo đảm thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cung cấp thông tin cho công chúng theo quy định của pháp luật; bảo đảm điều kiện vật chất, kỹ thuật, hậu cần cho hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
(Điều 1 Nghị định 79/2022/NĐ-CP)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hiện nay là ai?
Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Hiện nay, ông Trần Văn Sơn là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông cũng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Ông sinh ngày 01/12/1961, quê ở tỉnh Nam Định.
Tóm tắt quá trình công tác:
01/1988 - 6/1988: Chuyên viên phòng Tổ chức lao động tiền lương - Xí nghiệp xây dựng số 1 - Liên hợp xây dựng nhà ở tấm lớn số 1 - Bộ Xây dựng.
7/1988 - 5/1992: Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Xí nghiệp Xây dựng số 1; Đội trưởng Đội xây dựng - Liên hợp xây dựng nhà ở tấm lớn số 1 - Bộ Xây dựng
5/1992 - 7/1994: Đội trưởng, Chủ nhiệm công trình, Xí nghiệp xây dựng số 3, Công ty Xây dựng số 4 - Bộ Xây dựng.
7/1994 - 9/1996: Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng số 4; Giám đốc Công ty Xây dựng số 4 - Bộ Xây dựng; Giám đốc điều hành Dự án Tổng Công ty xây dựng Hà Nội, Bộ Xây dựng.
9/1996 - 7/2003: Bí thư Đảng ủy Công ty Xây dựng số 4; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội; Quyền Giám đốc, Giám đốc Công ty xây dựng số 4 - Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Bộ Xây dựng.
7/2003 - 10/2003: Phó Vụ trưởng, Vụ Kế hoạch Thống kê - Bộ Xây dựng.
10/2003 - 10/2007: Bí thư Đảng ủy; Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng - Bộ Xây dựng.
10/2007 - 02/2009: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng - Bộ Xây dựng.
02/2009 - 3/2014: Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
3/2014 - 10/2015: Phó Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên khóa XII; Đến tháng 11/2014 được phân công là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên.
10/2015 - 10/2020: Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhiệm kỳ 2015 - 2020; tháng 8/2016, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Điện Biên; Ủy viên Đảng ủy Quân khu 2, Bí thư Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên, nhiệm kỳ 2020-2025.
10/2020 - 04/2021: Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ; ngày 01/12/2020 được chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Văn phòng Chính phủ.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
4/2021 – nay: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Tiêu chuẩn chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Vì Văn phòng Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính phủ nên chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sẽ tương đương với chức danh Bộ trưởng các Bộ thuộc Chính phủ.
Tại Quy định 214-QĐ/TW năm 2020, quy định về tiêu chuẩn chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ như sau:
- Tiêu chuẩn chung: Bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn chung nêu tại Mục 1, Phần I, Quy định 214-QĐ/TW năm 2020.
- Tiêu chuẩn riêng:
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực:
+ Có trình độ cao và am hiểu sâu sắc về quản lý nhà nước, nắm chắc pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế.
+ Có năng lực cụ thể hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để hoạch định phương hướng, chính sách phát triển ngành, lĩnh vực được phân công và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
+ Có năng lực phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và giữa Trung ương với địa phương, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách chung của Đảng, Nhà nước.
+ Có kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành và quyết đoán, quyết liệt, kịp thời quyết định những vấn đề khó, phức tạp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách
+ Không bị chi phối bởi lợi ích nhóm.
+ Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp thứ trưởng hoặc phó trưởng ban, ngành, đoàn thể Trung ương hoặc lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh.