Sáng 22/12: Hơn 40 ca COVID-19 nặng đang điều trị; 289 thuốc được cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành
Theo thống kê của Bộ Y tế hiện có 41 ca COVID-19 nặng đang điều trị; Tổ chức Y tế thế giới cho rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch COVID-19 hiện vẫn chưa kết thúc; các biến thể mới có khả năng vẫn xuất hiện; 289 thuốc, nguyên liệu làm thuốc được cấp/ gia hạn giấy đăng ký lưu hành.
Giai đoạn khẩn cấp của đại dịch COVID-19 hiện vẫn chưa kết thúc; các biến thể mới có khả năng vẫn xuất hiện
Bộ Y tế cho biết ngày 21/12 có 200 ca mắc COVID-19 mới , trong ngày có 132 bệnh nhân khỏi và 1 trường hợp ở Hà Nội tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.523.567 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.454 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là 10.610.481 ca, trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát số bệnh nhân đang thở oxy là 41 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 32 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 7 ca.
Dịch bệnh được dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục cảnh báo về sự lưu hành hơn 500 biến thể phụ của Omicron, có khả năng lây truyền cao và tránh được hệ miễn dịch.
WHO cho rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch hiện vẫn chưa kết thúc; các biến thể mới có khả năng vẫn xuất hiện, có thể làm dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại; thậm chí lây lan phổ biến hơn cả Omicron, biến thể chính trên toàn cầu hiện nay.
Gần 300 thuốc sản xuất trong nước, thuốc từ dược liệu... được cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có liên tiếp các quyết định về việc cấp giấy đăng ký lưu hành, gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với gần 300 thuốc sản xuất trong nước, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền sản xuất trong nước.
Theo đó có 262 thuốc sản xuất trong nước được cấp giấy đăng ký lưu hành, gia hạn giấy đăng ký lưu hành, gồm 125 thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành có thời hạn từ 3-5 năm; 137 thuốc được gia hạn giấy đăng ký lưu hành từ 3-5 năm;
Đối với thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền sản xuất trong nước đều được cấp giấy đăng ký lưu hành và gia hạn trong 5 năm.
Liên quan đến việc gia hạn thuốc, Bộ Y tế mới đây đã có tờ trình đề xuất Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tiếp tục cho phép sử dụng hơn 12.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Tính đến ngày 7/12, Bộ Y tế đã có 5 lần gia hạn với tổng số hơn 10.304 giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine, tuy nhiên số hồ sơ đã được gia hạn này sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2022. Cùng đó năm 2023, thêm 3.800 giấy đăng ký thuốc hết hiệu lực, điều này dẫn đến số lượng hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc phải xử lý từ nay đến hết năm 2023 là rất lớn (hơn 14.000 thuốc), gây ra nguy cơ thiếu thuốc trầm trọng nếu không nhanh chóng xử lý. Ngoài ra còn có khoảng 3.600 thuốc sẽ hết hiệu lực giấy đăng ký lưu hành trong năm 2024.
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 659,1 triệu ca, trên 6,6 triệu ca tử vong.
Ngày 20/12 Bộ Y tế Ấn Độ chỉ thị các cơ quan chức năng cấp bang tăng cường giải trình tự bộ gene virus ở các ca mắc COVID-19 trước tình trạng "gia tăng đột biến" số ca mắc ở Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Brazil. Theo đó, yêu cầu tất cả các bang hằng ngày gửi nhiều nhất có thể các mẫu bệnh phẩm đến các phòng thí nghiệm giải trình tự bộ gene được chỉ định trên toàn quốc.