10 chính sách cần làm rõ khi hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (Mới nhất)
Tôi muốn biết những chính sách nào mà Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải làm rõ khi hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)? – Tú Kiệt (Cần Thơ)
10 chính sách cần làm rõ khi hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Ngày 16/12/2023, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 9838/VPCP-PL gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
10 chính sách cần làm rõ khi hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Theo đó, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi); khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); chuẩn bị báo cáo Chính phủ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 1250/TTg-QHĐP năm 2023, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Công văn 9408/VPCP-PL năm 2023.
Trong đó yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu kỹ lưỡng, phân tích đầy đủ các vấn đề còn ý kiến khác nhau trong quá trình chỉnh lý các chính sách quan trọng, những nội dung mới cần đánh giá tác động chính sách theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó cần lưu ý làm rõ các vấn đề chính sách có tác động lớn đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các tổ chức, cá nhân như:
(1) Quyền tiếp cận đất đai của người nước ngoài tại Việt Nam; chuyển quyền sử dụng đất của nhà đầu tư nước ngoài trong dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư;
(2) Làm rõ tiêu chí đấu thầu, đấu giá, chấp thuận chủ trương đầu tư;
(3) Việc chuyển mục đích sử dụng đối với từng loại đất và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án thương mại;
(4) Chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động ổn định trong trường hợp giao đất, cho thuê đất trả tiền hàng năm;
(5) Hoạt động quản lý đất trong khu kinh tế với việc thu hút đầu tư, quản lý đô thị, dân cư tại khu kinh tế;
(6) Các nội hàm chính sách và cơ sở pháp lý về lấn biển đã đảm bảo phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan để bảo đảm chính sách mang tính khuyến khích hoạt động lấn biển;
(7) Chính sách nhà ở xã hội phải bảo đảm công bằng, minh bạch, tránh bị lạm dụng trong các dự án thương mại; các cơ chế tài chính, quỹ, giá đất, … nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, điều tiết hợp lý chênh lệch địa tô giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa các địa phương;
(8) Quy định điều kiện chuyển tiếp để tránh khoảng trống pháp lý, đồng thời không hợp thức hóa các sai phạm, hạn chế khiếu kiện, tranh chấp về đất đai (các điều kiện chuyển tiếp trong các khoảng thời gian từ 1993; 2003; 2013; 2023);
(9) Việc thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
(10) Các nội dung khác: về định giá; phát triển mô hình TOD gắn với việc sử dụng và phát huy hiệu quả giá trị sử dụng các quỹ đất của địa phương do các dự án phát triển hạ tầng đầu tư từ ngân sách Trung ương; việc phân bổ lại nguồn lực (từ thu tiền sử dụng đất) giữa địa phương và Trung ương để đóng góp vào các dự án lớn, quan trọng mà ngân sách trung ương đã đầu tư.
Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Công văn này và các nhiệm vụ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Và các bộ, cơ quan, ngang bộ chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện các nhiệm vụ nêu tại mục 1 về các nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình.
Xem thêm tại Công văn 9838/VPCP-PL ngày 16/12/2023.