Vụ 3 nam sinh lớp 8 nghi xâm hại nữ sinh lớp 6: Cần giáo dục giới tính cho con theo lứa tuổi
Vụ việc 3 nam sinh lớp 8 nghi xâm hại nữ sinh lớp 6 ở Quảng Ngãi khiến dư luận bàng hoàng, phụ huynh lo lắng khi con đến trường học. Chuyên gia tâm lý chỉ cách để con có thể tự nhận thức về việc bảo vệ bản thân, phòng tránh việc mang thai ngoài ý muốn.
Theo thông tin sơ bộ, sự việc trên xảy ra từ giữa tháng 11/2022. 3 nam sinh lớp 8 bị nghi ngờ xâm hại tình dục một nữ sinh lớp 6 ngay tại khu vực vệ sinh trong Trường THCS Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Theo thầy Nguyễn Phúc Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Thắng, nhà trường báo cáo cho công an toàn bộ sự việc cụ thể. Vụ việc vẫn đang trong quá trình xác minh, tuy nhiên, đây cũng cảnh báo tới gia đình, nhà trường trong việc giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Theo thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên môn Sinh học cho biết, đây là bài học vô cùng đắt giá cho chính cha mẹ, nhà trường, lời cảnh tỉnh cho toàn xã hội về câu nói "trẻ con thì biết gì". Thầy Hiền cho rằng, giáo dục giới tính hiện nay đang quên đi một đối tượng vô cùng quan trọng là phụ huynh học sinh. Không ai khác, cha mẹ mới là người gần con cái nhất nhưng cha mẹ lại không đủ kiến thức, đồng thời không đủ kỹ năng để chia sẻ với con cái. Đồng thời cha mẹ vì quá bận rộn với công việc mà thiếu sự quan tâm với những đứa trẻ.
"Việc bảo vệ trẻ em, đặc biệt là vấn đề xâm hại tình dục không chỉ là trách nhiệm của gia đình và nhà trường mà là của toàn xã hội. Nhưng trước hết gia đình và nhà trường là những nơi gần các em nhất. Dù ở bất kỳ hình thái xã hội nào thì giáo dục gia đình vẫn luôn là nền tảng. Con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, dạy bảo, quan tâm con cái đúng cách sẽ tạo nên những đứa trẻ tốt trong xã hội. Khi đến tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi rất nhiều, những bé gái rất cần có mẹ bầu bạn, trong khi đó những bé trai lại rất cần người cha. Cha mẹ cần có kỹ năng trong việc chia sẻ, tham gia các lớp về giáo dục giới tính để có kiến thức và kỹ năng cần thiết".
Cần giáo dục giới tính cho con theo lứa tuổi
Câu chuyện về giáo dục giới tính luôn là đề tài mang lại rất nhiều trăn trở cho các bậc phụ huynh trong giai đoạn hiện nay: nên bắt đầu giải thích với trẻ khi nào, như thế nào?…
Theo chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi - đơn vị Tâm lý, BV Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), việc giáo dục giới tính cho trẻ vẫn đóng vai trò vô cùng cần thiết nhằm cung cấp thông tin phù hợp trước khi trẻ có thể tự tìm hiểu trên mạng hoặc qua các kênh thông tin khác kém chất lượng. Khi đó, con có thể tự nhận thức về việc bảo vệ bản thân, phòng tránh việc mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi cho biết, dựa trên cột mốc phát triển giới tính trẻ em, phụ huynh có thể tham khảo một số hướng dẫn sau đây nhằm bảo vệ và đồng hành cùng con một cách vui khỏe và an toàn trong thời đại ngày nay.
Đối với trẻ từ 2 tuổi trở xuống
Mục tiêu của giai đoạn này là để trẻ cảm thấy thoải mái và không xấu hổ với tất cả các bộ phận trên cơ thể mình. Vì thế, phụ huynh có thể giúp trẻ nhận biết tên gọi (hoặc từ lóng) và chức năng của các bộ phận trên cơ thể. Nếu trẻ không thích mặc quần áo hoặc có thói quen đụng chạm vào bộ phận nhạy cảm, việc cần làm là đặt giới hạn thời điểm và địa điểm nào có thể và không thể không mặc quần áo hay sờ chạm vào bộ phận nhạy cảm. Ngoài ra, phụ huynh cần giúp trẻ phân biệt sự khác nhau về giới tính.
Đối với trẻ khoảng từ 2 - 5 tuổi
Trong giai đoạn này, trẻ cần biết tên gọi chính xác của các bộ phận trên cơ thể. Việc phân biệt giới tính được đặt lên mức độ mới: bạn trai và bạn gái tuy khác nhau những vẫn sẽ có những điểm giống nhau. Bên cạnh đó, ngoài những chức năng cơ bản, trẻ cần hiểu việc cơ thể mỗi người có thể giúp ta hiểu ta đang cảm thấy và mong muốn điều gì từ đó học cách cảm nhận cơ thể và tôn trọng sự khác biệt.
Khái niệm về sự riêng tư đặc biệt quan trọng trong giai đoạn này, trẻ cần nhận thức sẽ có những bộ phận riêng tư mà mọi người không thể nhìn thấy. Đây là bước đầu giúp trẻ học cách bảo vệ bản thân cũng như tôn trọng sự riêng tư của người khác.
Đồng thời, trẻ sẽ bắt đầu tò mò về việc "Con được sinh ra từ đâu?". Để giải đáp thắc mắc này, phụ huynh có thể trả lời một cách đơn giản, không cần thiết đề cập chi tiết, ví dụ như "Để một em bé chào đời thì nhất định cần có sự góp sức của ba (tế bào/ tinh trùng) và mẹ (tế bào/trứng) để tạo ra "hạt mầm" là con. "Hạt mầm" sẽ dần lớn lên trong tử cung/bụng của mẹ. Bố mẹ rất vui vì có con và rất muốn gặp con. Khi "hạt mầm" đủ lớn và muốn ra ngoài để gặp bố mẹ (khoảng 9 tháng 10 ngày), mẹ sẽ cần sự hỗ trợ của các bác sĩ. Khi đó con được ra đời".
Để hỗ trợ cho trẻ trong độ tuổi này, phụ huynh cần kiên nhẫn và thẳng thắn trong việc giải thích với con. Từ đó, trẻ có thể hiểu ba mẹ là nguồn hỗ trợ đáng tin cậy và dễ dàng "gửi gắm" tâm tư của mình hơn. Ba mẹ có thể tham khảo một số sách truyện giới tính giải đáp cho trẻ nhỏ các thông tin cần thiết một cách sinh động.
Đối với trẻ khoảng từ 5 - 8 tuổi
Ở giai đoạn này trẻ tiếp thu mọi điều từ ba mẹ, vì thế đây sẽ là cơ hội vàng để phụ huynh thiết lập mối quan hệ tin tưởng với trẻ, đặc biệt trong việc giáo dục giới tính. Ngoài việc giải thích một cách chi tiết hơn, phụ huynh hãy hỏi ý kiến của trẻ để kiểm tra điều trẻ đã biết và tìm hiểu điều trẻ mong muốn biết. Phụ huynh có thể tận dụng các nguồn tư liệu gần gũi xung quanh như người phụ nữ mang thai, cảnh hôn trên truyền hình… để giáo dục về giới tính cho trẻ.
Bên cạnh đó, ở thời điểm này, trẻ cần hiểu các kỹ năng về chăm sóc cơ thể và học cách từ chối cũng như bảo vệ bản thân. Việc phát triển những khái niệm đầu tiên về dậy thì, gia đình, bạn bè, tình yêu giúp trẻ hiểu cơ thể và các mối quan hệ xung quanh sẽ thay đổi khi chúng ta trưởng thành về mặt thể chất và cảm xúc. Một số câu hỏi về hành vi tính dục của trẻ cũng cần phụ huynh giải thích nhằm giúp trẻ nhận thức rõ giới hạn và đâu là những hoạt động chỉ dành cho người lớn. Nếu trẻ vô tình thấy những hình ảnh nhạy cảm trên mạng internet hoặc những nơi khác, trẻ cần nói với ba mẹ và cùng nhau tìm ra hướng giải quyết hiệu quả.
Đối với trẻ khoảng từ 9 - 12 tuổi
Ở giai đoạn này, việc nhận thức về thời kỳ dậy thì cần được trang bị một cách chi tiết hơn, đặc biệt về mối liên hệ giữa chúng đến quá trình mang thai. Trẻ nữ cần chuẩn bị cho kỳ kinh nguyệt đầu tiên và trẻ nam cần hiểu về sự xuất tinh. Quan trọng hơn hết, trẻ cần học cách phòng tránh việc mang thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Ở thời điểm này, trẻ sẽ tò mò về những hành vi tình dục, chính vì thế, phụ huynh cần hỗ trợ trẻ cách sử dụng các thiết bị điện tử một cách an toàn và trao đổi với trẻ quan điểm của ba mẹ, gia đình về khái niệm một mối quan hệ tôn trọng và gắn bó. Đây là thời điểm quan trọng giúp trẻ hiểu giá trị và niềm tin của ba mẹ về những chủ đề liên quan đến tình cảm. Phụ huynh cần đa dạng trong cách giáo dục và tạo điều kiện giúp trẻ phát triển kỹ năng tự quyết định, giao tiếp và kỹ năng đàm phán.
Quan điểm về việc giáo dục giới tính cho trẻ đã thay đổi rất nhiều trong những năm nay. Bởi lợi ích của việc giáo dục giới tính không mang tính "vẽ đường cho hươu chạy" mà ngược lại, sẽ giúp trẻ nhận thức rõ và đưa ra những quyết định tốt hơn nhờ sự hướng dẫn chi tiết từ phụ huynh. Việc xây dựng các cuộc trò chuyện nhỏ, thường xuyên, lặp đi lặp lại với con cái góp phần xây dựng một lối sống lành mạnh cho trẻ trong tương lai.