Chuẩn mực kiểm toán số 210: Hợp đồng kiểm toán
Chuẩn mực kiểm toán số 210: Hợp đồng kiểm toán quy định về những nội dung gì? – Thanh Hải (Bình Định)
Chuẩn mực kiểm toán số 210: Hợp đồng kiểm toán (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Chuẩn mực kiểm toán số 210: Hợp đồng kiểm toán được ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC.
1. Quy định chung của Chuẩn mực kiểm toán số 210: Hợp đồng kiểm toán
- Chuẩn mực kiểm toán số 210 quy định và hướng dẫn trách nhiệm của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán (sau đây gọi là “kiểm toán viên”) trong việc thỏa thuận các điều khoản của hợp đồng kiểm toán với Ban Giám đốc và Ban quản trị đơn vị được kiểm toán (trong phạm vi phù hợp).
Chuẩn mực kiểm toán số 210 cũng quy định và hướng dẫn về các tiền đề của một cuộc kiểm toán, trách nhiệm của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán, trách nhiệm của Ban Giám đốc và Ban quản trị đơn vị được kiểm toán liên quan đến hợp đồng kiểm toán. Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 220 cũng quy định và hướng dẫn các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán đối với việc chấp nhận hợp đồng kiểm toán nằm trong khả năng kiểm soát của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán (xem hướng dẫn tại đoạn A1 Chuẩn mực này).
- Kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này trong việc thỏa thuận và thực hiện hợp đồng kiểm toán.
Đơn vị được kiểm toán (khách hàng) phải có những hiểu biết nhất định về các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này để phối hợp công việc và xử lý các mối quan hệ liên quan đến quá trình thỏa thuận và thực hiện hợp đồng kiểm toán.
Mục tiêu
Mục tiêu của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán là chỉ chấp nhận hoặc tiếp tục thực hiện hợp đồng kiểm toán khi đã thống nhất được các cơ sở để thực hiện hợp đồng kiểm toán, thông qua việc:
- Thiết lập được các tiền đề của một cuộc kiểm toán;
- Xác nhận rằng kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán và Ban Giám đốc, Ban quản trị đơn vị được kiểm toán (trong phạm vi phù hợp) đã thống nhất được các điều khoản của hợp đồng kiểm toán.
Giải thích thuật ngữ
Trong các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- Tiền đề của một cuộc kiểm toán: Là việc Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán sử dụng khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính có thể chấp nhận được trong việc lập báo cáo tài chính và sự chấp thuận của Ban Giám đốc và Ban quản trị đơn vị được kiểm toán (trong phạm vi phù hợp) đối với các cơ sở để tiến hành cuộc kiểm toán (xem đoạn 13 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200).
-Trong Chuẩn mực kiểm toán số 210, thuật ngữ “Ban Giám đốc” sau đây được hiểu là “Ban Giám đốc và Ban quản trị đơn vị được kiểm toán (trong phạm vi phù hợp)”.
2. Nội dung Chuẩn mực kiểm toán số 210: Hợp đồng kiểm toán
Nội dung Chuẩn mực kiểm toán số 210: Hợp đồng kiểm toán |
3. Chuẩn mực kiểm toán là gì?
- Chuẩn mực kiểm toán là những quy định và hướng dẫn về yêu cầu, nguyên tắc, thủ tục kiểm toán và xử lý các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động kiểm toán mà thành viên tham gia cuộc kiểm toán và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam phải tuân thủ.
- Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán là những quy định và hướng dẫn về nguyên tắc, nội dung áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với thành viên tham gia cuộc kiểm toán và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.
- Chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán là cơ sở để kiểm tra, đánh giá chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của thành viên tham gia cuộc kiểm toán và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.
(Điều 6 Luật Kiểm toán độc lập 2011)