Sẽ tăng lương tối thiểu vùng 2024 cùng thời điểm cải cách tiền lương 2024
Có phải sẽ tăng lương tối thiểu vùng 2024 cùng thời điểm cải cách tiền lương 2024? Mức đề xuất tăng thêm là 6% đúng không? – Mỹ Chi (Tiền Giang)
Sẽ tăng lương tối thiểu vùng 2024 cùng thời điểm cải cách tiền lương 2024 (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Sẽ tăng lương tối thiểu vùng 2024 cùng thời điểm cải cách tiền lương 2024
Ngày 20/12/2023, sau phiên đàm phán, thương lượng lần thứ hai, tất cả thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia có mặt tại phiên họp đã bỏ phiếu chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2024 là 6%, thời gian áp dụng từ ngày 01/7/2024.
Nếu đề xuất được duyệt, lương tối thiểu của từng vùng từ ngày 01/7/2024 sẽ như sau:
- Vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280.000 đồng);
- Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng);
- Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 đồng);
- Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200.000 đồng).
Với lương tối thiểu vùng theo giờ, Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng thống nhất phương án tăng thêm 6% từ ngày 1/7/2024.
Cụ thể, Vùng I tăng từ 22,5 nghìn đồng/giờ lên 23.800 đồng/giờ; Vùng II tăng từ 20.000 đồng/giờ lên 21.000 đồng/giờ; Vùng III tăng từ 17.500 đồng/giờ lên 18.600 đồng/giờ; Vùng IV tăng từ 15.600 đồng/giờ lên 16.600 đồng/giờ.
Đáng chú ý, thời điểm tăng lương tối thiểu vùng 2024 cũng là thời điểm thực hiện cải cách tiền lương 2024 theo Nghị quyết 104/2023/QH15.
Cụ thể, từ ngày 01/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất để người sử dụng lao động trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Mức lương tối thiểu vùng được áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; không áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. |
Mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024
Nếu đề xuất tăng lương tối thiểu vùng được Chính phủ phê duyệt thì mức lương tối thiểu vùng sẽ được chia thành 02 giai đoạn với các mức khác nhau.
Trong đó, mức lương tối thiểu vùng (Mức lương tối thiểu tháng và Mức lương tối thiểu giờ) từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024 vẫn sẽ thực hiện theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, cụ thể:
- Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng và 22.500 đồng/giờ
- Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng và 20.000 đồng/giờ
- Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng và 17.500 đồng/giờ
- Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng và 15.600 đồng/giờ
Lưu ý:
- Danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP.
- Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động như sau:
+ Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
+ Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
+ Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
+ Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
+ Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
+ Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại khoản 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP.