Nghị quyết 218/NQ-CP: Tăng mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình
Có phải sắp tới sẽ tăng mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình và sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế?
Sẽ tăng mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình (Hình từ internet)
Tăng mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình
Nội dung này đề cập tại Nghị quyết 218/NQ-CP năm 2023 về Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết 99/2023/QH15 về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trình, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan thực hiện nội dung
Tăng mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và khả năng chi trả của người dân; nghiên cứu mở rộng danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, danh mục thuốc, thiết bị, vật tư y tế ở y tế cơ sở do quỹ bảo hiểm y tế chi trả tương ứng với mức tăng bảo hiểm y tế. Giải quyết kịp thời những vướng mắc trong việc thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Thời gian hoàn thành nhiệm vụ trên: Theo tiến độ thực hiện Luật Bảo hiểm y tế.
Trước đó, ngày 25/10/2023, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Chỉ thị 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, trong đó yêu cầu:
Nghiên cứu tiếp tục tăng mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình phù hợp với ngân sách nhà nước, khả năng chi trả của Nhân dân; từng bước mở rộng danh mục dịch vụ thuộc phạm vi của y tế cơ sở do quỹ bảo hiểm y tế chi trả phù hợp với mức đóng.
Nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế
Ngoài việc nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền việc tăng mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình thì Bộ Y tế còn được giao chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Tư pháp và Bộ, ngành liên quan nghiên cứu việc rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế.
Thời gian trình cấp có thẩm quyền phê duyệt là năm 2024.
Mức đóng bảo hiểm y tế hiện nay
Theo Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014), mức đóng bảo hiểm y tế được quy định như sau:
(1) Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế được quy định như sau:
(1.1) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014) tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;
(1.2) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014) tối đa bằng 6% mức lương cơ sở, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3;
(1.3) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014) tối đa bằng 6% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;
(1.4) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014) tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;
(1.5) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014) tối đa bằng 6% tiền trợ cấp thất nghiệp và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;
(1.6) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014) tối đa bằng 6% tiền lương tháng đối với người hưởng lương, tối đa bằng 6% mức lương cơ sở đối với người hưởng sinh hoạt phí và do ngân sách nhà nước đóng;
(1.7) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014) tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do ngân sách nhà nước đóng;
(1.8) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm n khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014) tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp học bổng đóng;
(1.9) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014) tối đa bằng 6% mức lương cơ sở do đối tượng tự đóng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng;
(1.10) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014) tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do đối tượng đóng theo hộ gia đình.
(2) Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014) thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014).
Trường hợp đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014) có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.
Trường hợp đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014) đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014) thì đóng bảo hiểm y tế theo thứ tự như sau: do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, do ngân sách nhà nước đóng, do đối tượng và Ủy ban nhân dân cấp xã đóng.
(3) Tất cả thành viên thuộc hộ gia đình theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014) phải tham gia bảo hiểm y tế. Mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi, cụ thể như sau:
- Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở;
- Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;
- Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.