Tân Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam có xuất thân thế nào?
Trước khi được bổ nhiệm giữ vị trí Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam, doanh nhân sinh năm 1973 này cũng đã được bổ nhiệm giữ vị trí Tổng giám đốc Tập đoàn từ tháng 7/2019 đến nay.
Ngày 22/12 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định về việc bổ nhiệm ông Lê Mạnh Hùng giữ chức Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Thời hạn bổ nhiệm 5 năm. Ông Hùng là đại biểu Quốc hội tại Cà Mau, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV.
Trước đó, theo thông báo hồi tháng 7 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Hoàng Quốc Vượng Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam sẽ nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí từ 1/1/2024.
Theo tìm hiểu, ông Lê Mạnh Hùng sinh ngày 24/10/1973, quê Hưng Yên; trình độ chuyên môn là kỹ sư công nghệ tổng hợp hóa dầu và hữu cơ, tiến sĩ chuyên ngành hóa dầu và xúc tác hữu cơ.
Ông Lê Mạnh Hùng được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)
Trước khi được bổ nhiệm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN từ ngày 1/1/2024 tới đây, ông Hùng có nhiều năm công tác trong ngành dầu khí, đã kinh qua nhiều đơn vị trong ngành như kỹ sư công nghệ tại Công ty liên doanh Nhà máy lọc dầu Việt - Nga; kỹ sư công nghệ, khối Kỹ thuật, Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí (DMC).
Năm 2006, ông Hùng được điều động sang Văn phòng Chính phủ làm cán bộ Vụ Dầu khí rồi trở lại PVN làm Phó trưởng ban Chế biến dầu khí vào năm 2007.
Sau đó, ông Hùng được bổ nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo như Phó tổng giám đốc Công ty Liên doanh hóa dầu Long Sơn, Trưởng ban Quản lý dự án cụm khí điện đạm Cà Mau, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC). Ông Hùng từng phụ trách các lĩnh vực như công nghiệp lọc hóa dầu, hóa chất, nhiên liệu sinh học, công nghiệp khí gồm các dự án điện khí.
Từ tháng 10/2013 đến tháng hết tháng 6/2019, ông Hùng giữ vị trí Phó tổng giám đốc PVN. Từ 1/7/2019 đến khi được bổ nhiệm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, ông Hùng giữ chức Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc PVN.
Về kết quả kinh doanh, trong năm 2023, PVN đã hoàn thành vượt mức hầu hết các nhiệm vụ, chỉ tiêu được Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao, nhiều chỉ tiêu quan trọng tăng trưởng so với năm 2022.
Trong đó, các chỉ tiêu tài chính của PVN đã hoàn thành kế hoạch cả năm sớm từ 2 đến 5 tháng. Tổng doanh thu toàn Petrovietnam năm 2023 ước đạt 940,5 nghìn tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch năm, tăng 1,0% so với năm 2022. Đây cũng là mức doanh thu kỷ lục của Tập đoàn từ trước đến nay. Nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn ước đạt 151,8 nghìn tỷ đồng.