Giá vé máy bay giá rẻ dịp Tết 2024: Chiêu trò lừa đảo biến tiền thành 'giấy lộn'

Thị trường giỏ quà Tết 01/01/2024 07:00

Giá vé máy bay dịp Tết đắt đỏ, lợi dụng điều này, nhiều kẻ xấu dùng chiêu trò bán vé máy bay giá rẻ để bẫy người mua.

Giá vé máy bay dịp Tết 2024

Giá vé máy bay dịp Tết 2024: Chiêu trò lừa đảo biến tiền thành 'giấy lộn' - Ảnh 1.

Nhiều hãng bay đã mở bán vé dịp Tết. Hình minh họa

Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2024 sẽ kéo dài 7 ngày từ 8/2 đến hết ngày 14/2/2024 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Mới đây, nhiều hãng hàng không cho biết đã có kế hoạch mở thêm các chuyến bay tăng cường dịp cao điểm Tết Nguyên đán năm 2024 sắp tới.

Trong đó, hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) sẽ tăng cường chuyến bay thêm và mở bán ra hơn 100.000 vé, tương đương gần 550 chuyến bay, cho giai đoạn từ ngày 25/1 đến 24/2/2024 (tức từ ngày 15 tháng Chạp năm Quý Mão đến 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Hãng hàng không Bamboo Airways đã mở bán vé bay dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên tất cả các đường bay từ sớm.

Trên các trang web bán vé máy bay trực tuyến, giá vé máy bay dịp Tết Nguyên đán 2024 trên nhiều chặng bay đang dao động từ 4,5 - 10 triệu đồng/vé khứ hồi tùy hãng, thời điểm bay và ngày bay (đã gồm thuế, phí).

Cụ thể, giá vé khứ hồi chặng đi ngày 8/2/2024 (tức chiều 29 Tết) và chặng về ngày 15/2/2024 (mùng 6 Tết) chuyến TP.HCM - Hà Nội của hãng VietJet Air có giá 5.600.000 đồng/vé, Vietnam Airlines: 6.500.000 đồng/vé, Bamboo Airways: 7.200.000 đồng/vé và Vietravel Airlines: 6.200.000 đồng/vé (giá vé đã được làm tròn).

Giá vé khứ hồi chặng TP.HCM - Vinh (Nghệ An) của VietJet Air là 5.700.000 đồng/vé; Bamboo Airways có giá 7.200.000 đồng/vé và Vietnam Airlines: 9.950.000 đồng/vé.

Chặng TP.HCM – Hải Phòng, vé bay của VietJet Air giá 6.200.000 đồng; Vietravel Airlines: 4.100.000 đồng; Bamboo Airways:6.300.000 đồng và Vietnam Airlines: 4.100.000 đồng.

Chặng bay Hà Nội - Nha Trang ngày 11/2 (mùng 2 Tết), ngày về 17/2 (mùng 8 Tết) của VietJet Air có giá 5.900.000 đồng; Bamboo Airways: 6.700.000 đồng và Vietnam Airlines: 7.200.000 đồng.

Cũng đi ngày 11/2 và về 17/2, chặng bay Hà Nội - Đà Lạt của VietJet Air có giá 4.800.000 đồng; Bamboo Airways: 7.200.000 đồng. Cá biệt giá vé của hãng hàng không Vietnam Airlines, cao nhất lên tới 9.960.000đồng.

Còn chặng bay Hà Nội - Phú Quốc trong ngày này, giá vé của VietJet Air là 5.700.000 đồng; Vietnam Airlines: 8.400.000 đồng; Vietravel Airlines: 11.100.000 đồng.

Trong khi đó, chặng Hà Nội - Đà Nẵng của VietJet Air là 3.400.000 đồng; Vietravel Airlines: 3.300.000 đồng; Bamboo Airways: 5.200.000 đồng và Vietnam Airlines: 5.100.000 đồng.

Ham vé máy bay giá rẻ, nhiều người gặp trái đắng

Giá vé máy bay dịp Tết 2024: Chiêu trò lừa đảo biến tiền thành 'giấy lộn' - Ảnh 2.

Nhiều người ham giá rẻ nên đã bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng

Chị V.K.V (42 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết tháng trước chị có lên mạng xã hội đặt vé máy bay để về Hà Nội vào dịp Tết. Do dịp Tết giá vé khá cao nên chị V mong muốn tìm được vé giá rẻ, chị tham gia một nhóm trên mạng xã hội để tham khảo.

Sau khi được gửi thông tin chuyến bay, mã số vé bay và kiểm tra trên hãng, chị đã chuyển khoản số tiền gần 2 triệu đồng cho bên bán vé và sau đó thì bị chặn và không có cách nào liên lạc được, bên bán vé "bốc hơi" theo số tiền chị đã chuyển.

Tinh vi hơn, nhiều đối tượng còn tự nhận là nhân viên của hãng nên có chiết khấu cao, giả mạo đại lý ủy quyền để đưa ra các mức giá hấp dẫn khiến nhiều người mắc bẫy. Chị B.L ở Hà Nội có nhu cầu du lịch Phú Quốc vào dịp Tết. Do du lịch dịp Tết giá vé khá cao nên chị L đã tham gia một nhóm trên mạng xã hội để tham khảo.

Tại đây, chị được một tài khoản mạng xã hội tiếp cận và giới thiệu là đại lý vé máy bay của các hãng hàng không lớn trong nước, tài khoản này bắt đầu hỏi thông tin và tư vấn cho chị. Cẩn thận hơn, chị L. còn vào trang cá nhân của tài khoản này thì thấy đăng tải nhiều bài viết về vé máy bay giá rẻ, ảnh chụp khách hàng đã mua được vé giá rẻ nên chị tin tưởng.

"Sau khi người này hướng dẫn, tôi đồng ý mua vé khứ hồi đi Phú Quốc với giá rẻ hơn của một hãng máy bay niêm yết tại thời điểm mua khoảng 400.000 đồng. Người này còn gửi mã đặt chỗ cho tôi và yêu cầu tôi phải thanh toán gấp, nếu không sẽ bị hủy vé. Do tin tưởng nên tôi chuyển tiền ngay cho người này. Sau khi chuyển tiền, tôi chờ không thấy người này gửi vé, gọi điện thoại thì bị chặn liên lạc. Lúc này tôi mới biết mình bị lừa bở chiêu trò bán vé máy bay giá rẻ" - chị L. chia sẻ.

Thời điểm gần Tết, khi nhu cầu và giá vé tăng cao, nguy cơ khách mua vé máy bay bị lừa càng cao hơn. Vì thế, các hãng hàng không gần đây liên tiếp ra khuyến cáo, cảnh báo khách hàng về những chiêu trò mà kẻ xấu thường giăng ra để chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng vốn có tâm lý muốn mua vé máy bay giá rẻ.

Phương thức phổ biến nhất là kẻ xấu thường mạo danh là "người của hãng bay" để dễ dàng tiếp cận, tạo niềm tin cho khách hàng, đồng thời giới thiệu về việc mua - bán vé máy bay giá rẻ nhằm kích thích người mua. Sau đó, các đối tượng cung cấp mã giữ chỗ để khách hàng an tâm và nhanh chóng chuyển tiền, đặt cọc…Tiền cọc sau đó bị các đối tượng chiếm đoạt, không xuất vé hoặc xuất vé giả.

Các hãng hàng không khuyến cáo, người dân khi đặt dịch vụ nên tìm đến các doanh nghiệp lữ hành, đại lý vé máy bay uy tín. Tốt nhất nên đến tận nơi để được tư vấn, hỗ trợ nhằm giảm thiểu rủi ro.

Một chiêu trò nữa của kẻ xấu là để lấy lòng tin của khách hàng đặt mua vé điện tử, họ sẽ dựng lên những website có tên gần giống tên website của các hãng hàng không. Khách hàng tưởng đang liên hệ đặt dịch vụ trực tiếp với hãng nên vô cùng yên tâm nhưng sự thực không phải vậy.

Từ những website giả mạo này, khách hàng có thể bị mất tài sản, thậm chí khi truy cập vào những đường link lạ, khách hàng còn nguy cơ mất thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng.

Do đó, các hãng hàng không nhấn mạnh người dân nên cảnh giác với mọi lời chào mời mua vé giá rẻ trên mạng. Không nên tin tưởng vào các hội, nhóm trên mạng xã hội và các đối tượng lạ mặt để đặt mua vé máy bay không rõ nguồn gốc.

Trước khi chuyển tiền cho bên bán, người mua cần đọc kỹ thông tin mã vé, kiểm tra hiệu lực và yêu cầu nhân viên của hãng kiểm tra lại các thông tin. Khi hoàn tất việc mua vé, lấy phiếu thu, hóa đơn và các chứng từ kèm theo để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Lưu ý quan trọng để không bị mắc bẫy lừa đảo mua vé máy bay qua mạng

Để tránh mắc bẫy lừa đảo, khi có nhu cầu mua vé máy bay, khách hàng cần lưu ý:

- Trực tiếp đặt vé qua website chính của hãng hàng không hoặc gọi trực tiếp lên tổng đài nếu không thành thạo việc đặt vé qua mạng. Đặc biệt, không nên giao dịch qua bên trung gian thứ ba hay các đại lý khi không rõ về chất lượng, độ uy tín.

- Trước khi chuyển tiền cho bên bán, cần đọc kỹ thông tin mã vé và kiểm tra có hiệu lực, đồng thời yêu cầu nhân viên của hãng soát lại thông tin hành trình bay, hành khách bay.

Lưu ý: Mã vé của các hãng hàng không hiện nay:

Vietnam Airlines gồm 6 chữ cái

Vietjet Air là dãy gồm 8 số

Jetstar gồm 6 ký tự có cả số và chữ/ hoặc chỉ toàn chữ như của Vietnam Airlines.

- Xem xét kỹ hệ thống website của công ty bán vé, thông tin và thiết kế có chuyên nghiệp, rõ ràng hay không; có số điện thoại tổng đài không vì các hãng sẽ không sử dụng số điện thoại di động cá nhân để liên hệ với khách hàng.

Lưu ý: Cần nắm rõ địa chỉ website chính thức của các hãng hàng không nội địa là:

Vietnam Airlines: vietnamairlines.com

Vietjet Air: vietjetair.com

Jetstar Pacific: jetstar.com

Bamboo Airways: bambooairways.com

Mời độc giả theo dõi video đang được quan tâm trên Gia đình và xã hội




Thị trường giỏ quà Tết