Nông sản phục vụ Tết Nguyên đán bất ngờ 'vù vù' tăng giá
Theo các tiểu thương, thời điểm cách Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng các tiểu thương, thương lái bắt đầu bung hàng phục vụ khách mua lẻ nên giá bán lẻ các sản phẩm nông sản như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương tăng giá.
Đến hẹn lại lên, thời điểm gần Tết, mặt hàng nông sản khô không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán là măng, miến, nấm hương, mộc nhĩ… lại được săn tìm.
Theo thói quen tiêu dùng của người dân, để tiết kiệm và có nhiều sự lựa chọn hàng hóa, người tiêu dùng sẽ tranh thủ mua sắm mặt hàng nông sản khô trước Tết Nguyên đán khoảng 15 – 25 ngày.
Bởi mặt hàng nông sản khô vừa để được lâu, không dễ dàng mốc hỏng khi đủ nắng, mà mua thời điểm cách xa Tết Nguyên đán, giá mua lẻ cũng không quá đắt đỏ.
Tuy nhiên, nắm được thị hiếu này của người tiêu dùng, thời điểm này, các mặt hàng nông sản khô lại bắt đầu tăng giá.
Vì có kinh nghiệm nhiều năm trong việc thu gom mặt hàng nông sản khô, chị Nguyễn Thị Dung (37 tuổi, ở Điện Biên) khẳng định, vì nắm được thói quen mua sớm cho tiết kiệm của người tiêu dùng và đây cũng là thời điểm "bung hàng" phục vụ các mối buôn lẻ, nên giá bán các mặt hàng nông sản tăng là điều tất yếu.
Theo chị Dung, măng được phơi đủ nắng già sẽ có mùi thơm, màu vàng óng và bảo quản được nhiều năm nếu hút chân không. Do đó, vào tháng 7 – 9, khi vào vụ măng, các tiểu thương tại Điện Biên sẽ tranh thủ gom hàng từ các lái buôn, bao gồm cả măng tươi và măng khô đến thời điểm cuối tháng 10 sẽ bắt đầu "xả hàng" dần phục vụ các mối buôn.
"Thời điểm cuối tháng 9, giá măng lưỡi lợn có thể chỉ có giá sỉ là 60.000 – 75.000 đồng/kg nhưng đến cuối tháng 10, giá loại măng này nhích lên khoảng 90.000 – 95.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chỉ vài ngày trở lại đây, khi Tết Nguyên đán đang cận kề thì giá măng khô tăng rõ rệt", chị Dung cho hay.
Theo chị Dung, hiện tại, măng lưỡi lợn khô có giá sỉ là 110.000 – 115.000 đồng/kg, giá bán lẻ dao động từ 230.000 – 250.000 đồng/kg.
Măng nứa khô có giá bán lẻ là 240.000 đồng/kg; măng rối là 190.000 đồng/kg.
Chị Dung cho biết, thời điểm này, lượng đơn hàng sỉ lẻ tăng gần gấp đôi so với thời điểm tháng 9 Âm lịch. Cứ mỗi đơn 10kg là có thể mua hàng theo giá sỉ nên đầu mối khách hàng tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Nam, Hưng Yên của chị Dung chủ yếu là gom đơn, mua theo giá sỉ.
Anh Ngô Văn Đằng (28 tuổi, quê ở Yên Bái, sinh sống ở Hà Nội) cũng tương tự.
Do đơn hàng mua lẻ tăng nên thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần, anh Đằng cũng tất bật trả hàng cho khách.
Theo anh Đằng, năm nay, giá mặt hàng nấm hương, mộc nhĩ và miến chưa có sự biến động nhưng riêng mặt hàng măng khô, giá sỉ bắt đầu nhỉnh dần.
Hà Nội: Hoa đào đắt đỏ, gia đình khá giả chọn mua online chơi Tết Dương lịch, xe ôm kiếm bộn tiềnĐỌC NGAY
Anh Đằng cho biết, ngoài thời điểm chính vụ măng thì ở thời điểm từ tháng 10 Âm lịch đến Tết Nguyên đán, giá bán lẻ không thay đổi quá nhiều, luôn dao động từ 250.000 – 400.000 đồng/kg, tùy loại măng khô.
"Giá nhập bán sỉ, giao cho các buôn lái để bán lẻ thì tăng rõ rệt. Nếu tháng 9, tháng 10 Âm lịch, giá măng khô chỉ rơi vào khoảng 80.000 - 90.000 đồng/kg thì bây giờ, giá sỉ đã nhảy vọt lên 115.000 đồng/kg măng lưỡi lợn, 150.000 – 165.000 đồng/kg măng nứa tùy loại đẹp xấu", anh Đằng cho hay.
Do đó, nắm bắt được biến động, nhu cầu thị trường, nhiều tiểu thương sẽ gom hàng với số lượng lớn từ thời điểm chính vụ để thời điểm này bung hàng, phục vụ tiểu thương nhỏ lẻ để kiếm lời.