Vựa đào lớn thứ 2 Hà Nội 'khởi động' cho dịp Tết Nguyên đán

08/01/2024 16:59

Làng đào La Cả (quận Hà Đông, Hà Nội) thường tập trung buôn bán vào vụ chính Tết, sau Rằm tháng Chạp, vì vậy công tác "khởi động" của người dân tại đây cũng chậm hơn và trầm lắng hơn so với vựa đào Nhật Tân.

Những ngày này, tại làng đào La Cả (phường Dương Nội, quận Hà Đông), người trồng đào lại tất bật xuống lá, uốn cành, tưới nước... trên khu đất rộng hàng ngàn m2, chuẩn bị phục vụ cho mùa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Là một trong những vựa đào lớn nằm trên địa bàn TP Hà Nội, chỉ xếp sau các vườn đào tại Nhật Tân (Tây Hồ), nghề trồng đào tại La Cả đã hình thành cách đây hơn 40 năm, bắt nguồn từ hai vùng đào nổi tiếng là Nhật Tân và Phú Thượng.

Người trồng đào tại vựa đào La Cả tất bật xuống lá, uốn cành, tưới nước..."khởi động" cho mùa Tết Nguyên đán.

Các nhà vườn tại đây thường tập trung buôn bán vào vụ chính Tết (sau Rằm tháng Chạp) ít bán sớm, rải rác cả thời gian dài trước Tết, vì vậy công tác "khởi động" cũng chậm hơn so với Nhật Tân.

Ông Nguyễn Đắc Tuấn (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm) chủ một vườn đào cho biết, đào được trồng tại đây mặc dù có nguồn gốc từ đào Nhật Tân, thế nhưng do đặc điểm thổ nhưỡng khác nhau, cách chăm sóc khác nhau, vì vậy đào La Cả mang các đặc tính riêng như: Cành dày cứng, nhiều nụ, hoa đào sắc thắm, lâu phai...

Người bán đào tại La Cả thường tập trung buôn bán vào vụ chính Tết chứ không bán sớm cả tháng như ở Nhật Tân.

"Diện tích trồng đào phần lớn nằm trên địa bàn quận Hà Đông, một phần khác nằm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Nhà tôi có 2 sào đất, giá thuê 2,5 triệu đồng/sào, trồng được hơn 600 gốc, so với các vườn khác vẫn là ít, nhiều gia đình có đến cả mẫu đất, hàng ngàn gốc", ông Tuấn cho biết.

Mặc dù quá trình đô thị hóa đã khiến diện tích đất trồng giảm đi đáng kể, thế nhưng để giữ thương hiệu đào La Cả, hơn 200 hộ dân tại đây đã đi thuê đất nông nghiệp của các xã, phường lân cận như: Kiến Hưng, La Khê, Trung Văn, Tây Mỗ,… với tổng diện tích trồng đào lên tới 450 mẫu.

Được xem là vựa đào lớn thứ 2 của Hà Nội, thế nhưng diện tích trồng đào tại La Cả đang dần bị thu hẹp bởi quá trình độ thị hóa.

Dù có lãi, thế nhưng nghề trồng đào vẫn rất bấp bênh, làm cả năm nhưng chỉ chờ thu hoạch đúng dịp Tết, bên cạnh đó để có một vụ mùa thành công cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, vì vậy người trồng đào luôn thấp thỏm, lo âu.

Được biết, giá bán đào năm nay không tăng so với năm trước, dao động từ 100-500 nghìn đồng/cành; từ 500-1 triệu đồng/cây; các cây đào thế có giá từ 1-10 triệu đồng/cây tùy chất lượng.

Những cây đào thế tại La Cả đã sẳn sàng phục vụ người dân chơi Tết.

Để phục vụ nhu cầu của khách hàng, nhiều nhà vườn tại La Cả cũng đã dần "chuyển đổi số", phát triển kênh bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội như: Tiktok, Zalo, Facebook... qua đó giúp tăng thêm thu nhập, giúp người dân có nguồn thu ổn định từ việc trồng đào.

Một vài chủ vườn cùng cho biết, đối với đào cây, càng lâu năm càng có giá nên không cần bán tháo như đào cành, đào La Cả còn được nhiều nhà vườn tại Nhật Tân xin giống về ươm, vậy nên người dân nơi đây luôn tự hào, giữ nghề trồng đào như một nét văn hóa truyền thống, mỗi dịp Tết đến xuân về.

Xem thêm video được quan tâm: