Nam thanh niên 31 tuổi bị suy thận, tổn thương não vì mắc sai lầm khi làm việc này trong trời lạnh

11/01/2024 16:59

Nam thanh niên có nguy cơ cao phải đối diện với các biến chứng về tâm thần, thần kinh lâu dài như mất trí nhớ, rối loạn tâm thần, run tay chân, co cứng cơ, liệt,… do đốt than hoa trong phòng sưởi ấm.

Vừa qua, các bác sĩ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đã cấp cứu cho nam bệnh nhân (31 tuổi tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) bị ngộ độc khi CO do sưởi ấm khi ngủ. Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng hôn mê, suy thận, tổn thương cơ, tổn thương não.

Người nhà của bệnh nhân cho hay do thời tiết lạnh giá, bệnh nhân có đốt than hoa trong phòng kín để sưởi ấm và đi ngủ. Khoảng 4 giờ sáng, gia đình phát hiện bệnh nhân đã bất tỉnh, vội đưa đến bệnh viện.

Nam thanh niên 31 tuổi bị suy thận, tổn thương não vì mắc sai lầm khi làm việc này trong trời lạnh  - Ảnh 2.

Hình ảnh phim chụp não có tổn thương

Sau khi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đã có ý thức và tỉnh táo hơn. Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân - Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm cho biết đây là một trường hợp rất nặng, có dấu hiệu tổn thương não hai bên rất rõ ràng, có tổn thương cơ, có suy thận…

Bệnh nhân có nguy cơ cao phải đối diện với các biến chứng về tâm thần, thần kinh lâu dài, ví dụ như mất trí nhớ, rối loạn tâm thần, run tay chân, co cứng cơ, liệt,…

Hiện tại, Trung tâm Chống độc đang áp dụng các biện pháp điều trị tích cực để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra cho bệnh nhân.

Tuyệt đối không đốt than củi trong phòng kín!

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Giảng viên Hóa học, Trường Đai học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội, trước đây ông bà thường đốt than tổ ong, củi để sưởi ấm trong không gian thoáng hơn như nhà trần lợp mái, đốt ngoài trời. Hiện, nhà cửa đều xây dựng kiên cố, chưa kể mùa đông, các gia đình đều đóng chặt kín cửa, khiến oxy trong không khí hết rất nhanh. Lúc này, đốt than, củi trong không gian kín càng làm tiêu hao oxy, đồng thời sản sinh ra hai khí cực độc là CO2 và CO.

Nam thanh niên 31 tuổi bị suy thận, tổn thương não vì mắc sai lầm khi làm việc này trong trời lạnh  - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Trong đó, khí CO2 khiến người bệnh nhanh chóng đi vào hôn mê, lịm dần và tử vong. Thời gian gây ngộ độc rất nhanh, "chỉ sau vài phút, bệnh nhân bị ngạt thở, lịm dần rồi hôn mê mà không hay biết, không còn khả năng kháng cự".

Bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không đốt than củi sưởi ấm trong phòng kín. Hầu hết trường hợp ngạt khí khi ngủ không thể kêu cứu, nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời.

Trường hợp thường xuyên phải dùng bếp than để đun nấu, nên đặt bếp ở nơi thông thoáng. Không đặt lò than trong phòng ngủ, nơi kín gió; không đốt qua đêm. Gia đình có thể dùng đèn sưởi, điều hòa hai chiều để tăng nhiệt độ trong phòng nhưng tránh có gió lùa.

Sơ cứu người bị ngộ độc khí CO đúng cách

Nam thanh niên 31 tuổi bị suy thận, tổn thương não vì mắc sai lầm khi làm việc này trong trời lạnh  - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Các bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện bệnh nhân bị ngộ độc khí nói chung và khí CO nói riêng, nguyên tắc đầu tiên là đưa bệnh nhân ra khỏi vùng thông khí, thoáng để cơ thể tự đào thải dần lượng khí CO trong cơ thể.

Nếu bệnh nhân có nôn ói phải móc sạch chất nôn vùng hầu họng, để tạo đường thông khí tốt nhất, cho bệnh nhân nằm gối đầu cao.

Nếu bệnh nhân suy hô hấp, phải biết cách hô hấp nhân tạo trên đường đi cấp cứu, tăng cơ hội cho bệnh nhân điều trị.

Bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế để thở oxy. Trường hợp ngộ độc nặng, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thở oxy liều cao, buồng oxy áp lực sẽ hữu hiệu cho cấp cứu bệnh nhân.