Sự thật vụ 2 quán phở đuổi người khuyết tật vì ngồi xe lăn xôn xao mạng xã hội
Chuyện 2 quán phở 'đuổi' người khuyết tật đã gây nhiều ý kiến trái chiều và nghi hoặc câu chuyện không có thật. Chủ quán đã nói sao?
Hôm 12/1, Vũ Minh Lâm (tên thật Vũ Văn Nội, hiện sống ở Hà Nội) – một người khuyết tật phải ngồi xe lăn – đã chia sẻ câu chuyện buồn mà anh trải qua, gây nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng mạng.
Lâm kể, ngày hôm đó anh và bạn gái đã bị “đuổi” khỏi 2 quán phở ở Hà Nội vì “ngồi xe lăn”.
“Lâm và bạn nhà mình (bạn gái) đến tiệm phở. Trời Hà Nội mấy hôm nay mưa rả rích… Ly vào quán nhờ nhân viên ra bê mình lên bậc tam cấp. Nhân viên bước ra cửa, bảo ‘quán em không có nhân viên để khiêng người như anh’.
Thế là hai đứa ‘quay xe’ đi tiệm khác - trong cơn mưa lạnh lòng…
Đến một quán phở gà quen, hai đứa cũng vào ăn như bình thường. Chỗ ngồi bé, nên Lâm hơi chen vào chỗ bà chủ ngồi bán hàng ăn. Bà đứng phắt dậy, mắng nhân viên ‘ai nhận cái ngữ này vào đây ăn?’. Nhân viên bảo ‘anh ấy hay ăn ở đây, bình thường vẫn ngồi thế này’.
Bà càng được đà ‘không bán được, đã thế thì tôi đứng’… bữa ăn nghẹn ứ ở cổ - thật khó nuốt. Lâm thì quen rồi còn bạn Ly… nước mắt bắt đầu rơi.
Những tưởng sẽ xa Hà Nội bằng kí ức buồn như thế…”.
Phản ứng trái chiều
Câu chuyện của Lâm ngay lập tức khiến nhiều người bức xúc thay, đồng thời lên án 2 quán phở đã phân biệt đối xử với người khuyết tật. Bài viết nhận được 47 nghìn lượt like và 22 nghìn lượt bình luận – một lượng tương tác rất lớn trên mạng xã hội. Câu chuyện của Lâm cũng được chia sẻ rộng khắp các diễn đàn, hội nhóm.
Tuy nhiên, 1-2 ngày sau khi đăng tải, câu chuyện lại nhận được một luồng ý kiến khác từ phía dư luận. Nhiều người cho rằng, câu chuyện của Lâm thật khó tin, gây tiếng xấu cho người Hà Nội và văn hoá Hà Nội.
Nhiều ý kiến chia sẻ chưa từng gặp quán ăn nào kỳ thị người khuyết tật , thậm chí còn rất đồng cảm và hỗ trợ những người khuyết tật. Có những người đưa ra phân tích: Giả sử có chủ quán khó tính, đuổi khách thì người ta cũng không bao giờ dùng những câu như vậy. Những câu đuổi khách này nghe rất không “thật”.
Thậm chí, có người đưa ra những bài viết rất dài phân tích sự phi lý trong câu chuyện của Lâm. Có người khẳng định đây là câu chuyện bịa đặt để gây chú ý, vì Lâm và bạn gái đang là các TikToker có 248 nghìn lượt theo dõi. Có người thách thức Lâm nêu rõ địa chỉ của 2 quán phở để làm rõ thực hư.
Đến thời điểm hiện tại, khá nhiều người đã khẳng định đây là cách làm “nội dung bẩn”, khơi gợi sự phân biệt vùng miền để gây chú ý, đặc biệt là trong thời điểm Lâm và bạn gái chuẩn bị chuyển vào TP.HCM sinh sống.
Thậm chí, có người đã nhắn tin tố cáo hành động tung tin giả mạo của Lâm tới trang Fanpage của Công an Hà Nội.
Nhiều người cho rằng, các cơ quan chức năng phải làm rõ câu chuyện này để cảnh cáo những kẻ tung tin giả, làm xấu hình ảnh Hà Nội cũng như gây nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội.
Tác giả khẳng định là sự thật
Khi phóng viên VietNamNet liên hệ tới số điện thoại của Lâm, Ly – bạn gái của anh và cũng là người cùng anh trải nghiệm 2 quán phở ngày hôm đó nhấc máy. Ly cho biết, những chia sẻ của cô với báo VietNamNet cũng là quan điểm chung của cả hai.
Ly đã bật khóc khi kể lại câu chuyện ngày hôm đó và cho biết hiện tại cả hai rất buồn khi bị cộng đồng mạng gắn mác “làm nội dung bẩn”.
Ly kể, hôm đó cô và bạn trai dự định đi chơi Hà Nội một vòng trước khi chuyển vào TP.HCM sinh sống.
Trước khi đi, họ ghé một quán phở gần nhà ở khu vực An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội). Mọi lần, khi ăn ở đây, cô và nhân viên quán hoặc cô sẽ nhờ một vị khách cùng khiêng xe lăn của Lâm lên bậc tam cấp. Nhưng lần này, khi cô ngỏ ý nhờ nhân viên khiêng xe lên, thì nữ nhân viên đã từ chối ngay “bên em không có người khiêng chị ạ”.
Thấy quán không chào đón mình, Lâm bảo bạn gái đi chỗ khác. Sau đó, cả hai đến một quán phở có tiếng ở phố Nam Ngư (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) – cũng là một quán quen mà cặp đôi đã ăn nhiều lần.
Ly cho biết, mọi khi đến ăn, chị chủ quán rất vui vẻ và đều cho Lâm ngồi ở ngay đầu bàn để tiện di chuyển xe lăn. Nhưng ngày hôm đó, một bác lớn tuổi bán hàng. Ngay khi thấy Lâm ngồi xe lăn, bác đã bảo cặp đôi sang quán cà phê đối diện ngồi để nhân viên bê phở sang bên đó.
Vì đã có hẹn với bạn đi uống cà phê ở chỗ khác, nên cặp đôi không muốn sang quán cà phê.
“Trong khi bác chủ quán khó chịu thì nhân viên quán vẫn cho chúng tôi ngồi ở đầu bàn. Nhưng suốt bữa ăn, bác liên tục nói những câu rất khó nghe, khiến chúng tôi nuốt không trôi bát phở. Bác quát nhân viên nhưng chúng tôi hiểu là đang mắng chúng tôi. Bác nói rất to những câu kiểu như ‘ai cho ngồi ở đây?’, ‘ai nhận khách này?’…”.
Ly cho biết, thực ra cô và bạn trai không lạ lẫm trước những hành động kỳ thị người khuyết tật như thế này. Nhưng vì ngày hôm đó, họ bị từ chối tới tận 2 lần nên có cảm xúc không tốt và quyết định chia sẻ lên trang cá nhân. Không ngờ ngoài những người đồng cảm, lại có rất nhiều người tỏ ra nghi ngờ và cho rằng câu chuyện là “giả”.
“Chúng tôi cũng mới chỉ làm TikTok hơn 1 năm nay và thường chia sẻ cuộc sống cá nhân trong các video. Chúng tôi chưa từng ‘tố’ ai để câu view và cũng chưa từng gặp phản ứng dữ dội như thế này từ cộng đồng mạng”. Ly cho biết, hiện tại cặp đôi không biết phải ứng xử như thế nào trước những ý kiến trái chiều.
Cô nói, trong câu chuyện đăng tải trên trang cá nhân, Lâm không nêu tên và địa chỉ chính xác của 2 quán phở vì ngại sẽ làm ảnh hưởng tới quán và cũng vì họ không có bằng chứng ghi lại những câu nói của chủ quán. Nhưng cô đã đồng ý chia sẻ tên và địa chỉ chính xác cho phóng viên, với mong muốn nhờ cơ quan báo chí xác minh để minh oan cho mình.
Chủ quán phủ nhận
Sáng ngày 15/1, phóng viên VietNamNet đã tìm tới quán phở ở phố Nam Ngư – quán ăn mà Lâm cho biết đã phản ứng gay gắt với việc anh đẩy xe lăn vào quán gây vướng chân chủ quán. Bà Thu (73 tuổi) – chủ quán phở gà – cho biết, quán của bà không kỳ thị người khuyết tật và ngày hôm đó bà cũng không nói như thế với Lâm và bạn gái.
“Hôm đó, cậu ấy và bạn đến ăn lúc 2h chiều, đúng thời điểm gà về quán và tôi đang ngồi ở cửa để cân gà. Đồ đạc ở cửa quán rất vướng, khó di chuyển xe lăn vào nên tôi có bảo cả hai sang quán cà phê bên kia ngồi cho rộng rãi.
Khách nhà tôi đến ăn lúc đông, tôi cũng bảo sang quán cà phê ngồi nhiều, chứ không phải tôi kỳ thị người khuyết tật, đuổi họ sang quán cà phê.
Nhưng lúc ấy, nhân viên nhà tôi lại hăng hái bảo ‘vào được, vào được’ và khiêng xe cậu ấy vào ngồi đầu bàn ngay sau lưng tôi. Tôi đã phải xê dịch hàng hoá vào để lấy chỗ cho cậu ấy ngồi.
Sau đó, tôi cũng nói là ‘bây giờ vắng khách thì còn ngồi được, chứ lúc đông khách không ngồi thế này được đâu’. Tôi chỉ nói có vậy thôi mà cậu ấy về đăng lên mạng như thế nào, tôi cũng không biết. Tôi năm nay hơn 70 tuổi rồi, tôi cũng chẳng quan tâm những chuyện như thế nữa”.
Bà Thu cũng cho biết, quán phở gia truyền nhà bà đã bán được hơn 60 năm nay, từ đời mẹ bà. Đời bà đã bán ở đây được 30 năm. Quán nhỏ hẹp nhưng lúc nào cũng đông khách và khách đến quán ăn đều hiểu, thông cảm cho điều đó.
Trò chuyện với PV, anh Tuấn Anh – chủ quán phở ở An Khánh mà Lâm và Ly nói đã ghé qua – cho biết, anh chưa được biết đến chuyện này và mong muốn người đăng bài cho anh biết cụ thể ngày, giờ xảy ra sự việc để anh kiểm tra camera.
Nếu đúng có việc này, anh sẽ nhắc nhở nhân viên, thậm chí là cho nghỉ việc. Quan điểm của vợ chồng anh là tôn trọng mọi khách hàng như nhau và luôn hết sức hỗ trợ, chào đón người khuyết tật. Bản thân anh cũng mong muốn làm rõ chuyện này và được nói chuyện trực tiếp với Lâm.
“Nhân viên của quán đều là các cháu trẻ tuổi, còn đang là sinh viên, được ăn học đàng hoàng và ngoan ngoãn. Chúng tôi cũng quán triệt rất kỹ với các cháu phải luôn lễ phép, tôn trọng khách hàng, kể cả là người thợ xây hay người đi ô tô đều phải đối xử như nhau, chứ không có chuyện coi thường hay kỳ thị đối tượng nào. Đó không chỉ là quan điểm kinh doanh mà còn là quan điểm dạy con của chúng tôi” – vợ chồng anh Tuấn Anh cho biết.
Theo Tuổi Trẻ Online, đại diện Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội đang vào cuộc xác minh và làm rõ sự việc.