Nữ sinh 15 tuổi bất ngờ đột quỵ ở trường học, trước khi đột quỵ có biểu hiện này!
Trước khi đột quỵ xuất huyết não, nữ sinh có biểu hiện đau đầu, chóng mặt và buồn nôn khi tham gia hội thao của trường.
Znews đưa tin, nữ sinh 15 tuổi ở Trung Quốc có biểu hiện đau đầu, chóng mặt và buồn nôn khi tham gia hội thao của trường. 30 phút sau, tình trạng của em trở nên tệ hơn.
Trong lúc di chuyển đến phòng y tế, cô bé ngất xỉu, tim và mạch ngừng đập. Nhà trường lập tức sơ cứu để giúp nữ sinh hồi sức tim phổi và gọi xe cứu thương đưa đến bệnh viện.
Cô được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện cô bé bị vỡ mạch máu phía sau não, dẫn đến đột quỵ xuất huyết não. Đáng tiếc, dù được điều trị tích cực, nữ sinh không qua khỏi.
Vỡ mạch máu não, xuất huyết não là gì?
Các cặp động mạch cảnh và động mạch đốt sống sẽ đưa máu, oxy và chất dinh dưỡng đến não để nuôi các tế bào não. Khi các mạch máu não bị tổn thương, có hiện tượng xơ vữa động mạch, chấn thương, hoặc có tổn thương vi mô của thành động mạch, xuất hiện dòng chảy bất thường ở vị trí phân chia của các động mạch,… thì mạch máu sẽ hình thành túi phình – tức là vị trí phình to bất thường trên mạch máu não.
Các túi phình này có nguy cơ bị vỡ bất cứ lúc nào và dẫn đến tình trạng vỡ phình mạch máu não. Không chỉ vậy, khi người bệnh bị vỡ mạch máu não, máu bắt đầu lan ra và kích thích màng não, phóng thích các sản phẩm nguy hại và làm hỏng các tế bào não. Đồng thời, khi đó sẽ xuất hiện phản xạ co mạch nơi vỡ, (spasm) gây thiếu máu vùng não phía sau chỗ vỡ, dẫn đến nhồi máu não.
Người bệnh vỡ mạch máu não có thể rơi vào tình trạng mất ý thức, các tế bào não và mô não chết đi hàng loạt dẫn đến yếu liệt tay chân, rối loạn ngôn ngữ, tàn phế, sống đời sống thực vật… thậm chí có thể gây tử vong.
Nguyên nhân chính gây xuất huyết não, đột quỵ ở người trẻ
Theo các bác sĩ, các trường hợp đột quỵ trước 45 tuổi đều được xếp vào nhóm đột quỵ ở người trẻ. Bao gồm các nguyên nhân sau:
Tăng huyết áp
Tình trạng huyết áp tăng cao, đặc biệt là khi tăng đột ngột sẽ tác động lên túi phình động mạch khiến chúng vỡ ra. Những người ăn nhiều muối, bị rối loạn lipid máu, thường xuyên căng thẳng lo âu, thức khuya, ngủ không đủ giấc,… thường sẽ có nguy cơ bị vỡ phình mạch máu não cao hơn.
Do phình mạch máu não
Trường hợp phình mạch máu não khiến túi phình to hơn, mỏng, yếu, khả năng đàn hồi và chịu áp lực kém nên tự vỡ ra, dẫn đến vỡ mạch máu não đe dọa tính mạng người bệnh.
Dị dạng mạch máu bẩm sinh
Vỡ mạch máu não có thể xuất hiện ở trẻ em bị dị dạng mạch máu não bẩm sinh, có bất thường ở các vị trí nối giữa tĩnh mạch và động mạch não.
Do mắc bệnh mạch máu
Người bệnh sử dụng các loại thuốc chống đông máu, thuốc điều trị u não,… hoặc các bệnh lý mạch máu khác có thể có nguy cơ bị vỡ mạch máu não cao hơn. Ngoài ra, những người mắc tiền sử bệnh mạch máu não thoái hóa dạng bột hoặc xuất huyết não cũng dễ bị bệnh vỡ mạch máu não hơn.
Các nguyên nhân khác
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, còn nhiều yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ vỡ mạch máu não bao gồm thói quen ăn uống kém lành mạnh, sử dụng chất kích thích, sự thay đổi bất thường của thời tiết,…
Cách phòng ngừa xuất huyết não, đột quỵ
Để phòng ngừa vỡ mạch máu não dẫn đến đột quỵ, có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa như:
- Thường xuyên tập thể dục, ít nhất 2-3 lần/tuần với mỗi lần tối thiểu 30 phút.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn mặn, thức ăn có chứa chất béo bão hòa và cholesterol. Ăn nhiều rau và trái cây.
- Không hút thuốc, hạn chế uống rượu bia.
- Duy trì huyết áp ở mức ổn định.
- Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày, tránh căng thẳng quá mức.
- Chủ động thăm khám, tầm soát bệnh lý thần kinh.