Khi nào doanh nghiệp được sa thải lao động nữ mang thai mà không bị phạt?
Người lao động nếu có hành vi vi phạm, không tuân theo kỷ luật lao động có thể bị sa thải theo luật định. Vậy, với lao động mang thai có bị sa thải khi vi phạm?
Các biện pháp xử lý kỷ luật người lao động
Kỷ luật lao động là những quy định có tính bắt buộc về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất kinh doanh được thể hiện trong nội quy lao động nhằm bảo đảm trật tự tại đơn vị sử dụng lao động.
Người lao động nếu có hành vi vi phạm, không tuân theo kỷ luật hoặc tuân theo nhưng không đầy đủ hoặc không đúng có thể phải gánh chịu biện pháp xử lý kỷ luật nhất định tùy thuộc vào múc độ, tính chất của hành vi vi phạm.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, có 4 hình thức xử lý kỷ luật lao động như sau:
- Khiển trách.
- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng.
- Cách chức: Hình thức "cách chức" chỉ áp dụng đối với người lao động vi phạm kỷ luật mà đang đảm đương chức vụ nhất định.
- Sa thải.
Trong 4 hình thức kỷ luật nêu trên, hình thức khiển trách là hình thức xử lý kỷ luật nhẹ nhất và sa thải là hình thức kỷ luật nặng nhất, áp dụng đối với người lao động có hành vi vi phạm ở mức độ lỗi nặng. Khi áp dụng hình thức kỷ luật sa thải, người lao động sẽ bị mất việc làm.
Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, người sử dụng lao động chỉ được sa thải người lao động trong một số trường hợp nhất định do pháp luật quy định. Ngoài các hình thức kỷ luật nêu trên, người sử dụng lao động không được áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào khác đối với người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động.
Doanh nghiệp có được sa thải lao động nữ mang thai?
Theo Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
"Bảo vệ thai sản
Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc UBND cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới".
Theo quy định trên, lao động nữ mang thai không thuộc vào các trường hợp người sử dụng lao động được áp dụng hình thức kỷ luật sa thải. Vì vậy, pháp luật quy định không được sa thải lao động nữ đang mang thai.
Được sa thải lao động nữ đang mang thai trong trường hợp nào?
Theo Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định được sa thải lao động nữ đang mang thai trong các trường hợp sau:
+ Người sử dụng lao động là cá nhân chết.
+ Người sử dụng lao động là cá nhân bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
+ Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
+ Người sử dụng lao động không phải là cá nhân bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc UBND cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Sa thải lao động nữ mang thai trái luật doanh nghiệp bị xử phạt thế nào?
Tại Điểm i, Khoản 2, Điều 28 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định:
Hành vi sa thải lao động nữ vì lý do mang thai người lao động sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Trường hợp doanh nghiệp sa thải lao động nữ vì lý do mang thai sẽ có mức xử phạt gấp 2 lần mức xử phạt của cá nhân có cùng hành vi vi phạm (the quy định tại Khoản 1, Điều 6 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP).
Như vậy, doanh nghiệp sa thải lao động nữ vì lý do mang thai có thể bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Sa thải lao động nữ mang thai trái luật có buộc phải nhận họ làm việc trở lại không?
Căn cứ Khoản 3, Điều 28 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định:
"Vi phạm quy định về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả tiền lương cho người lao động nữ tương ứng với thời gian người lao động nữ không được nghỉ trong thời gian hành kinh theo quy định của pháp luật khi có hành vi vi phạm quy định tại Điểm d, Khoản 2 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động trả tiền lương cho người lao động nữ tương ứng với thời gian người lao động nữ không được nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm đ, Khoản 2 Điều này;
c) Buộc người sử dụng lao động nhận người lao động trở lại làm việc khi có hành vi vi phạm quy định tại Điểm i, Khoản 2 Điều này".
Theo đó, doanh nghiệp xa thải lao động nữ đang mang thai trái luật ngoài bị xử phạt hành chính theo quy định trên còn buộc phải nhận người lao động trở lại làm việc.
Hết thời gian mang thai, sinh con và nuôi con lao động nữ có bị kỷ luật lao động?
Theo quy định hết thời gian mang thai, sinh con và nuôi con, người sử dụng lao động vẫn có quyền tiến hành xử lý kỷ luật đối với họ. Cụ thể:
Theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Lao động, thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 06 tháng, kể từ ngày hành vi vi phạm xảy ra; trường hợp hành vi vi phạm liên quanđến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý ký luật tối đa 12 tháng.
Trường hợp hết thời gian người lao động nữ mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà hết thời hiệu xử lý kỷ luật nói trên thì người sử dụng lao động có quyền kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng tối đã không quá 60 ngày.