Rằm tháng Chạp cuối năm cúng gì cho may mắn, đủ đầy?
Rằm tháng Chạp là ngày Rằm cuối cùng của năm. Mâm cỗ cúng trong ngày này có gì khác biệt so với những ngày Rằm khác không?
Tháng Chạp là tháng cuối cùng của năm. Đây cũng là thời điểm chuẩn bị "tống cựu, nghinh tân", tiễn những điều cũ và đón những điều an lành trong năm mới. Lễ cúng Rằm tháng Chạp nhìn chung không có nhiều khác biệt so với những ngày Rằm khác. Tuy nhiên, đây là ngày Rằm cuối cùng của năm nên nhiều gia đình cũng chuẩn bị tươm tất hơn, phần vì tạ ơn Gia tiên, thần linh, phần còn lại là cầu mong những điều lành trong năm mới.
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp cần những gì?
Tuỳ theo văn hoá của mỗi nơi và điều kiện của mỗi gia đình mà mâm cúng Rằm tháng Chạp sẽ chuẩn bị lớn nhỏ khác nhau. Dù giản dị hay linh đình thì về cơ bản mâm cỗ cúng không thể thiếu được những phần sau.
Có gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng chay và mặn.
Cỗ cúng chay Rằm tháng Chạp gồm những gì?
Mâm cúng chay ngày Rằm cuối năm ít hay nhiều, to hay nhỏ thì cũng đều cần đủ đầy 5 thành phần là hương, hoa, đăng, quả, thực. Dễ hiểu hơn chính là hương (nhang), hoa tươi, đèn (hoặc nến), quả tươi và các món ăn chay.
Hương (nhang) thường chọn loại hương tự nhiên, không dùng loại có nhiều chất hoá học gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Hoa tươi bạn có thể chọn những loại hoa dâng lên ban thờ như hoa cúc, hoa huệ, hoa bưởi,... Trong đĩa hoa quả có thể chọn ngũ quả để tượng trưng cho sự đủ đầy và cân bằng, chẳng hạn như lựu đỏ, thanh long, táo, cam, phật thủ, sung,... Ngoài ra, mâm cỗ chay cúng Rằm tháng Chạp không thể thiếu được những món như rau củ luộc, canh nấm, nem chay rau củ, bánh chưng đậu xanh...
Cỗ cúng mặn Rằm tháng Chạp gồm những gì?
Gà luộc cánh tiên
Trong mâm cỗ cúng ngày Rằm tháng Chạp không thể thiếu được một con gà luộc cánh tiên. Gà nên chọn gà trống để dâng cúng, vừa thể hiện được sự chu đáo, dáng gà bày mâm cúng lại đẹp. Gà luộc cánh tiên da căng bóng, màu vàng đẹp, đầu ngẩng cao, hai cánh xoè ra, có thể trang trí cho gà ngậm bông hoa hồng.
Xôi gấc đỏ
Đĩa xôi gấc đầy đặn, đỏ au tượng trưng cho sự may mắn. Ngoài xôi gấc đỏ, bạn có thể đồ xôi đỗ hoặc xôi hạt sen.
Canh miến/canh bóng thả/canh măng
Trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp không thể thiếu được bát canh. Để mâm cỗ thêm đủ đầy, bạn có thể nấu canh miến, canh măng mọc, canh bóng thả đầy đủ màu sắc.
Giò cắt hoa
Những đĩa giò, chả được cắt tỉa hình hoa đẹp mắt góp phần giúp mâm cỗ thêm trọn vẹn. Ngoài ra, nhiều chị em nội trợ cũng làm các món giò đủ hương vị màu sắc như giò cuốn ngũ sắc, giò cuốn tai heo...
Bánh chưng
Một đĩa bánh chưng xanh gợi thêm không khí xuân mới thật gần. Màu xanh của bánh chưng sẽ giúp mâm cỗ thêm hài hoà.
Món xào (rau xào thập cẩm, thịt bò xào dứa, lòng gà xào giá...)
Món xào trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp rất đa dạng, từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ nấu đến cầu kỳ, chẳng hạn như rau cải chíp xào nấm hương, thịt bò xào ớt chuông, rau xào thập cẩm,... Những món xào này phụ thuộc vào bạn cân đối với các món khác trong mâm cúng cho hợp lý.
Nem rán
Nem rán là món ngon ngày Tết mang tính biểu trưng không thể thiếu. Những cuộn nem rán giòn, thơm nức sẽ giúp mâm cỗ cúng của gia đình bạn thêm tươm tất.
Hiện nay, có nhiều nơi bán mâm cỗ sẵn rất tiện lợi và nhiều món ngon. Nếu bạn không có thời gian chuẩn bị mâm cỗ cúng có thể đặt tại các nhà hàng, chẳng hạn như Nhà hàng Bể Cá, FoodHub...
Gợi ý mâm cúng Rằm tháng Chạp đủ đầy và chu đáo
Nếu bạn chưa biết sắp xếp và trình bày mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp của mình như thế nào, bạn có thể tham khảo mâm cỗ đẹp đẽ và thơm ngon của chị Vũ Thu Hương (sống tại Hà Nội).
Gợi ý mâm cúng Rằm tháng Chạp thứ 1:
Gợi ý mâm cúng Rằm tháng Chạp thứ 2:
Gợi ý mâm cúng Rằm tháng Chạp thứ 3:
Gợi ý mâm cúng Rằm tháng Chạp thứ 4:
Tùy điều kiện và thời gian cho phép, bạn có thể đơn giản hóa các món trong mâm cơm cúng hoặc có thể thực hiện theo mâm lễ ấm cúng thơm thảo như của chị Hương.
Chúc các bạn thành công!