Không khí lạnh liên tục tăng cường, miền Bắc sẽ rét cỡ nào trong dịp Tết Nguyên đán?
Thời tiết dịp Tết Nguyên đán, miền Bắc có khả năng rét nhưng ít khả năng rét đậm, rét hại.
Theo TS. Hoàng Phúc Lâm, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thông tin tại hội thảo thông tin dự báo xu thế thiên tai 2024, khí hậu Tết Nguyên đán Giáp Thìn, trong thời gian trước tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, từ 29/1 - 5/2 (tức 19 - 26 tháng chạp), nền nhiệt cả nước có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Trong giai đoạn này chưa có đợt không khí lạnh mạnh nào tác động.
Ở các tỉnh miền Bắc thời kỳ này trời nhiều mây, đêm và sáng có sương mù và sương mù nhẹ, trưa chiều có thể hửng nắng, trời rét, ít khả năng xảy ra rét đậm rét hại. Nhiệt độ ban ngày có thể lên đến 24-25 độ, trời có nắng.
Giai đoạn từ tuần gần và trong Tết, từ 6-12/2 (tức 27 tháng Chạp đến mùng 3 Tết), nền nhiệt độ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, có không khí lạnh, nhưng ít khả năng có không khí lạnh mạnh như đợt đang xảy ra, gây rét hại ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung.
"Vì vậy, thời tiết dịp Tết Nguyên đán, miền Bắc có khả năng rét nhưng ít khả năng rét đậm, rét hại", ông Lâm nhận định.
Đối với khu vực miền Trung, ở Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, ít khả năng xuất hiện mưa lớn. Khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ phổ biến ít mưa, ngày nắng ráo, miền Đông Nam Bộ có nắng nóng cục bộ.
Cơ quan khí tượng cho biết, thông tin cụ thể về thời tiết các vùng sẽ được phát trên trang web chính thức vào ngày 2/2 (23 tháng chạp). Bản tin thời tiết sẽ được cập nhật 1 lần/ngày vào buổi chiều.
Nhận định về xu thế thiên tai năm 2024, TS. Hoàng Phúc Lâm cho biết, theo dự báo, hiện tượng El Nino xuất hiện từ giữa năm 2023 và sẽ còn duy trì đến tháng 4/2024 với xác suất trên 90%. Sau đó, El Nino suy yếu và có khoảng 60% cơ hội chuyển sang pha trung tính trong giai đoạn từ tháng 5-7/2024 và khoảng 50-60% khả năng chuyển sang La Nina vào cuối năm 2024.
Theo ông Lâm, nếu với diễn biến như trên thì năm 2024 cần lưu ý, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới tập trung nhiều hơn vào nửa cuối mùa bão. Bão/áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển Đông có thể sẽ nhiều hơn.
"Hiện tượng nắng nóng tại khu vực Nam Bộ, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm", ông Lâm nhấn mạnh.
Hiện nay, miền Bắc và Bắc Trung bộ đang chịu ảnh hưởng bởi đợt rét hại diện rộng. Khu vực núi cao phía bắc đã xuất hiện băng giá. Khu vực phía bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 7.
Theo cơ quan khí tượng, đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc bộ có thể kéo dài đến ngày 29.1, sau đó ấm dần lên; tại Bắc Trung bộ đến khoảng ngày 28/1. Trong đợt rét này, vùng núi cao có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá.
Gió mạnh và sóng lớn trên biển ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác. Rét đậm, rét hại ảnh hưởng tới gia súc, gia cầm; ảnh hưởng lớn tới sinh trưởng của cây trồng.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, tại Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên đã có 38 con gia súc chết do rét đậm, rét hại.