Người đàn ông suy hô hấp, phổi đông đặc do tự điều trị cúm A tại nhà, bác sĩ chỉ rõ dấu hiệu nguy hiểm cần nhập viện gấp
Cúm A tiến triển rất nhanh, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe và có nguy cơ cao bùng phát thành dịch.
Vừa qua, BSCKI. Đặng Thị Thu Phương – Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Đa khoa Phú Thọ cho biết, bệnh cúm A dễ gây biến chứng, tiêu biểu là biến chứng ở phổi, ở những đối tượng đặc biệt như người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai… Tuy nhiên, có không ít trường hợp bị biến chứng do chủ quan tự chữa tại nhà, đến khi nhập viện thì bệnh đã trở nặng.
Bệnh nhân là ông L.V.C trú tại thành phố Việt Trì là một trong những trường hợp bệnh điển hình. Người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, 3 ngày trước vào viện xuất hiện sốt, ho, đau họng, ở nhà tự điều trị bằng thuốc cảm cúm thông thường nhưng không đỡ.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, tức ngực, mệt nhiều, người nhà đưa vào viện trong tình trạng suy hô hấp SPO2 85-90%, phổi nhiều rales xuất tiết và co thắt. Sau khi khám và làm cận lâm sàng: test cúm A dương tính, CT ngực viêm phổi lan tỏa và đông đặc.
Bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc kháng cúm Oseltamivir, chống bội nhiễm bằng kháng sinh, thở oxy, khí dung. Sau 1 tuần điều trị, tình trạng bệnh cải thiện tốt lên rõ rệt: hết sốt, giảm viêm long, hết khó thở… Hiện tại, tình trạng người bệnh tiến triển tốt, sức khỏe ổn định và đã được xuất viện về nhà.
Dấu hiệu người bệnh mắc cúm A
Bệnh cúm A rất dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm thông thường bởi những triệu chứng cúm A rất giống với triệu chứng cảm cúm. Tuy nhiên, cúm A tiến triển rất nhanh, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe và có nguy cơ cao bùng phát thành dịch.
Một số triệu chứng của cúm A có thể khiến người mắc nhầm lẫn với các chủng cúm khác hoặc cảm lạnh. Tuy nhiên, xuất hiện đột ngột các triệu chứng như: đau họng, ho, chảy nước mũi, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau nhức cơ thể,… thường là dấu hiệu nhận biết rõ nhất của cúm A.
Phần lớn các trường hợp người mắc cúm A không cần điều trị mà có thể tự khỏi. Tuy nhiên, để tránh những diễn tiến xấu thì người bệnh mắc cúm A quá một tuần chưa khỏi cần gặp bác sĩ thăm khám và điều trị.
Đối tượng dễ mắc cúm A hơn chính là trẻ em và người già trên 60 tuổi hoặc những phụ nữ có thai. Bởi những đối tượng này có hệ miễn dịch yếu hơn và cần được theo dõi cũng như điều trị khi mắc phải cúm A.
Nếu tình trạng nhiễm cúm A diễn ra quá lâu và không được thăm khám, điều trị có thể gây ra một số các triệu chứng bệnh khác như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa, đau bụng, tiêu chảy,…
Cách điều trị cúm A tại nhà
Bệnh nhân bị mắc cúm A mức độ nhẹ, triệu chứng có thể kiểm soát và không biến chứng. Khi điều trị cúm A tại nhà, bệnh nhân có thể sử dụng các thuốc sau:
Dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao trên 38,5 độ hoặc trên 38 độ nếu người bệnh có tiền sử co giật. Khi sử dụng thuốc hạ sốt cần tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng, đặc biệt là khoảng cách giữa các lần uống thuốc.
Uống thêm Oresol để bù nước và bù điện giải.
Nếu ho khan nhiều và kéo dài gây ra mệt mỏi, bệnh nhân có thể uống thuốc giảm ho.
Nếu ho có nhiều đờm nhầy trong cổ họng, người bệnh có thể dùng thêm thuốc làm loãng đờm, long đờm.
Các loại thuốc xịt mũi sẽ giúp làm sạch dịch nhầy, thông thoáng đường thở. Với trẻ em, nếu bị ngạt mũi khó thở, cha mẹ có thể dùng thuốc nhỏ mũi giúp thông mũi cho bé.
Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ kết hợp với chế độ ăn uống đủ chất và nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp người bệnh sớm phục hồi. Trẻ bị cúm A uống thuốc gì cũng cần theo chỉ định của bác sĩ.
Dấu hiệu bệnh cúm A trở nặng, cần được thăm khám sớm
Người nhà và cả bệnh nhân cần chủ động theo dõi sức khỏe. Sau khoảng 1 tuần, nếu thấy bệnh tình trở nặng, không có dấu hiệu cải thiện, cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Các dấu hiệu bệnh nặng mà bạn nên lưu ý như:
Bệnh nhân sốt cao từ 39 độ trở lên và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
Người bệnh mệt mỏi, li bì, chân tay lạnh.
Có thể kèm theo sốt là triệu chứng co giật.
Bệnh nhân thở gấp hoặc cảm thấy khó thở.