Người bệnh hen suyễn nên ăn gì trong mùa lạnh để tăng sức đề kháng?
Do nhạy cảm với thời tiết nên khi trời quá lạnh, bệnh hen phế quản sẽ rất dễ tái phát. Vì vậy, bệnh nhân hen phế quản phải luôn giữ ấm, đồng thời cần chú ý dinh dưỡng, bổ sung thực phẩm giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
1. Người bệnh hen phế quản cần lưu ý sức khỏe khi trời lạnh
Hen phế quản (hay còn gọi là hen suyễn ) là bệnh lý viêm đường hô hấp mạn tính gây sưng phù, tăng tiết nhầy, phù nề niêm mạc đường thở khiến người bệnh khó thở , thở khò khè, nặng ngực và ho. Bệnh rất dễ tái phát và nặng lên khi tiếp xúc yếu tố nguy cơ hoặc khi thay đổi thời tiết, đặc biệt là khi trời lạnh.
Theo TS.BS Phạm Thị Bích Thủy, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương, khi giao mùa, trời lạnh, bệnh nhân hen phế quản sẽ rất dễ đột ngột lên cơn hen cấp , rất nguy hiểm nếu không xử trí kịp thời.
Thời tiết lạnh cũng là yếu tố phát sinh các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp do nhiễm vi khuẩn, virus, cảm cúm, cảm lạnh, viêm mũi họng... làm phế quản co thắt dẫn đến cơn hen cấp.
Do đó, bệnh nhân hen phế quản luôn phải chú ý giữ gìn sức khỏe. Có chế độ làm việc phù hợp và nghỉ ngơi hợp lý. Cần chú ý ăn uống đảm bảo đủ dinh dưỡng, uống đủ nước, bổ sung thực phẩm có tác dụng chống viêm, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể để ngăn ngừa bệnh tái phát.
2. Vai trò của chế độ ăn uống đối với bệnh hen suyễn
Thực hiện chế độ ăn uống đủ chất và lành mạnh sẽ giúp người bệnh hen suyễn khỏe mạnh hơn. Điều này giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và chống lại tình trạng viêm mạn tính.
Các nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn uống có thể đóng một vai trò quan trọng trong sinh lý bệnh hen suyễn. Một số yếu tố trong chế độ ăn uống đã được công nhận là có khả năng góp phần vào sự phát triển và mức độ nghiêm trọng của bệnh hen suyễn do tác động gây viêm và oxy hóa của nó.
Một số nhóm thực phẩm như trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh có thể có tác dụng tích cực đối với bệnh hen suyễn. Mặt khác, việc tiêu thụ nhiều muối, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có tác dụng ngược lại.
Chế độ ăn uống sử dụng nhiều ngũ cốc tinh chế, thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn và thức ăn nhanh, đường… có thể gây viêm do thiếu chất chống oxy hóa (làm tăng tính nhạy cảm với stress oxy hóa) và hàm lượng chất béo bão hòa cao (kích thích hệ thống miễn dịch).
Một số dạng hen suyễn cũng kéo dài thời gian kích hoạt hệ thống miễn dịch. Tình trạng viêm toàn thân diễn ra dẫn đến tình trạng viêm đường hô hấp tăng cường, tăng tỷ lệ các đợt trầm trọng và chức năng phổi xấu đi.
Cơ chế cơ bản của những mối liên quan này vẫn chưa được hiểu đầy đủ, nhưng người ta cho rằng chế độ ăn uống có thể điều chỉnh cả hệ thống miễn dịch và tình trạng viêm, hai yếu tố chính trong sự phát triển và làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn.
3. Thực phẩm có lợi cho người bệnh hen suyễn
Các nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn chủ yếu là thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, đặc biệt là trái cây tươi, rau xanh và ngũ cốc có thể làm chậm sự tiến triển và cải thiện các triệu chứng bệnh hen suyễn.
Trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt rất giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa giúp bổ sung dinh dưỡng, có tác dụng chống viêm và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt là các thực phẩm giàu vitamin A, D, E… Chất chống oxy hóa có thể bảo vệ tế bào cơ thể khỏi bị hư hại và hỗ trợ chức năng phổi khỏe mạnh.
Chế độ ăn giàu chất xơ có thể thay đổi thành phần của các loài vi sinh vật trong ruột và tạo ra một môi trường bảo vệ tốt hơn chống lại phản ứng dị ứng đường hô hấp.
Những thực phẩm có lợi cho người bệnh hen suyễn bao gồm các chất chống oxy hóa như vitamin A, C và E, làm giảm viêm phổi do tổn thương tế bào bởi các gốc tự do . Nguồn thực phẩm: trái cây và rau quả.
Vitamin D làm giảm nguy cơ bệnh nhân mắc bệnh hen suyễn nặng hơn. Nguồn cung cấp vitamin D: sữa, trứng, cá và ánh nắng mặt trời.
Acid béo omega-3 có thể giúp giảm các triệu chứng hen suyễn. Nguồn thực phẩm: cá nước lạnh, các loại hạt…
TS.BS Phạm Thị Bích Thủy lưu ý: Người bệnh hen phế quản cần phải luôn ghi nhớ tránh tiếp xúc với các yếu tố gây kích phát cơn hen. Đối với những người có cơ địa dị ứng càng cần phải chú ý đến môi trường sống, nên tránh tiếp xúc với những chất dễ gây dị ứng như: phấn hoa, bụi bẩn, hóa chất, khói thuốc lá, một số thực phẩm gây dị ứng… Luôn mang thuốc dự phòng theo người và liên hệ ngay với bác sĩ khi tình trạng hen không cải thiện hoặc nặng dần lên.