Cô gái 18 tuổi suýt chết do bị nhồi máu não, may mắn thoát nạn nhờ một lý do bất ngờ
Mẹ bệnh nhân xúc động nói: "Các bác sĩ đã cứu sống đứa con duy nhất của tôi, giúp con khỏe mạnh trở lại".
Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) cho biết đã cấp cứu thành công cho nữ sinh 18 tuổi (học sinh lớp 12 một trường THPT ở Tây Nguyên). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tri giác trì trệ, rối loạn phát âm nặng, yếu nửa người trái không đi lại được.
Sau hàng loạt dữ liệu thu thập từ thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng, TS.BS Tạ Vương Khoa, Phó chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 chẩn đoán, xác định bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não cấp vùng nhân bèo, bao trong phải giờ thứ 24 do tắc cấp tính động mạch não giữa phải bởi huyết khối xâm lấn từ túi phình động mạch não giữa phải.
Điều may mắn là khảo sát DSA (chụp mạch máu não kỹ thuật số xóa nền) và chụp cắt lớp vi tính tưới máu não ghi nhận nhu mô não ở nơi bị tắc vẫn được cung cấp máu bởi những tuần hoàn bàng hệ qua các vòng thông nối với động mạch xung quanh.
Điều này có nghĩa túi phình đã được "bê tông hóa" một cách tự nhiên, chỉ cần điều trị bảo tồn bằng nội khoa, không cần tác động gì thêm bằng phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch, bởi điều này có thể gây hại cho người bệnh.
Sau 10 ngày được điều trị và chăm sóc tích cực tại khoa Nội thần kinh, bệnh nhân hồi phục tốt các triệu chứng, được xuất viện vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo, phát âm gần như bình thường, sức cơ nửa người trái cải thiện rõ rệt, tự đi lại được.
"Trong cái rủi có cái may, bệnh nhân này rủi ro bị đột quỵ nhồi máu não, song may vì mạch máu nuôi não có cơ chế tự bù trừ rất tốt", bác sĩ nói. Ngoài ra, bệnh nhân được tự chữa khỏi tự nhiên, thoát khỏi viễn cảnh trải qua một cuộc phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch phức tạp, tốn kém xử lý một túi phình động mạch não giữa kích thước lớn trong lòng đang chứa đầy huyết khối.
Mẹ bệnh nhân xúc động nói: "Các bác sĩ đã cứu sống đứa con duy nhất của tôi, giúp con khỏe mạnh trở lại".
Nhồi máu não nhân bèo là gì?
Tương tự như các tình trạng đột quỵ khác, nhồi máu não nhân bèo có khả năng đẩy người bệnh rơi vào nguy cơ tàn tật hoặc tử vong rất cao.
Nhồi máu não xảy ra khi mạch máu bị tắc hoặc bị vỡ, gây tổn thương cho một vùng não. Trong tổng số ca bị đột quỵ, nhồi máu não chiếm tỷ lệ hơn 80%, phần còn lại là tình trạng xuất huyết não (một loại hình khác của đột quỵ).
Phân loại nhồi máu não dựa vào vị trí của vùng não bị thiếu máu, vùng nhân bèo là một loại trong đó. Đây là một vùng thuộc nhân xám trung ương, có vị trí ở sâu trong não, nằm dưới vỏ não và dưới vùng chất trắng. Khi vùng nhân bèo bị tổn thương, máu không được lưu thông đến vùng này gây ra tình trạng nhồi máu não nhân bèo.
Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ nhồi máu não nhân bèo
Cũng giống như nhồi máu não ở các vị trí khác, nhồi máu não nhân bèo có một số triệu chứng điển hình là:
- Tê, yếu hoặc liệt mặt, tay, chân và thường là ở một bên của cơ thể.
- Rối loạn thị giác ở một hoặc 2 bên mắt như: Tối mắt, mờ mắt, nhìn đôi hoặc mù mắt.
- Lú lẫn, rối loạn nhận thức.
- Khó nói, không hiểu lời nói.
- Đi không vững, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc mất phối hợp vận động.
- Đau đầu dữ dội.
Biến chứng đáng sợ của nhồi máu não nếu không được điều trị sớm
Đối với vùng nhân bèo, nơi này có chức năng quan trọng liên quan đến điều tiết vận động chú ý và các hoạt động có liên quan đến vận động cơ thể được điều khiển. Do đó, khi nhồi máu não nhân bèo xảy ra, nó thường gây ra tình trạng rối loạn vận động và rối loạn trương lực cơ, dẫn đến bệnh nhân dễ bị cứng khớp, teo cơ, khó đi lại, yếu liệt nặng nửa người. Từ đó, người bệnh bị suy giảm nặng nề về sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Vì vậy, với mọi bệnh nhân đột quỵ, bao gồm cả người bị nhồi máu não nhân bèo, cấp cứu nhanh chóng luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Chính vì vậy, khi nhận thấy những dấu hiệu trên, bệnh nhân cần tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.