Ép nhân viên đi làm ngày Tết Nguyên đán, doanh nghiệp có thể bị phạt tối đa đến 75 triệu đồng
Theo quy định người lao động sẽ được nghỉ làm và được hưởng nguyên lương vào ngày Tết Nguyên đán. Nếu doanh nghiệp ép người lao động làm việc vào ngày này mà không được sự đồng ý có thể bị phạt tiền.
Tết Nguyên đán 2024 người lao động có bắt buộc phải đi làm?
Theo Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động được nghỉ làm hưởng nguyên lương trong các ngày lễ, Tết. Trường hợp đi làm vào ngày Tết Nguyên đán, người lao động sẽ được tính là làm thêm giờ.
Điểm a, Khoản 2, Điều 107 Bộ luật Lao động quy định về điều kiện sử dụng lao động làm thêm giờ như sau:
"Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:
- Phải được sự đồng ý của người lao động;
- Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;
- Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này".
Theo quy định trên, người lao động không bắt buộc phải đi làm ngày lễ. Doanh nghiệp chỉ được sử dụng lao động làm thêm giờ nếu như người đó đồng ý.
Tuy nhiên, Điều 108 Bộ luật Lao động cũng liệt kê một số trường hợp người lao động không được từ chối làm thêm giờ. Đó là thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; thực hiện công việc bảo vệ tính mạng con người, tài sản trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn,…
Ép nhân viên đi làm ngày Tết Nguyên đán 2024, doanh nghiệp bị phạt?
Theo quy định người sử dụng lao động chỉ được sử dụng lao động làm thêm giờ nếu được người lao động đó đồng ý. Trường hợp người lao động từ chối làm thêm giờ thì người sử dụng lao động cũng phải chấp nhận bởi đây là quyền của họ.
Trường hợp cố tính bắt ép người lao động đi làm dịp Tết Nguyên đán, doanh nghiệp sẽ bị coi là vi phạm pháp luật.
Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP nêu rõ sẽ phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi như thực hiện thời gian giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật. Hoặc huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật Lao động.
Trong trường hợp người lao động đồng ý đi làm ngày Tết Nguyên đán thì thời gian làm việc tối đa là 12 giờ/ngày. Tại Điểm b, Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Lao động, phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định.
Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động. Từ 10 - 20 triệu đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động. Phạt từ 20 - 40 triệu đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động. Phạt từ 40 - 60 triệu đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động. Đặc biệt phạt 60 - 75 triệu đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Bị ép đi làm ngày Tết Nguyên đán, người lao động có thể tố cáo ở đâu?
Việc doanh nghiệp bắt ép nhân viên đi làm trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán được xác định là hành vi vi phạm pháp luật lao động. Do đó, người lao động có thể thực hiện việc tố cáo vi phạm theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP.
Cụ thể, theo Điều 39 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động có thể tố cáo vi phạm của doanh nghiệp đến Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Việc tố cáo có thể thực hiện bằng đơn hoặc tố cáo trực tiếp.
Trong 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo (Khoản 1, Điều 24 Luật Tố cáo 2018).
Trong quá trình giải quyết tố cáo nếu xác định đúng là có vi phạm, Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp.