Năm đầu về làm dâu, Doãn Hải My khoe mâm cỗ Tết sớm, toàn đặc sản Thái Bình
GDXH - Cuộc sống của Doãn Hải My sau khi kết hôn với Đoàn Văn Hậu không có quá nhiều thay đổi, ngày càng đảm đang. Hết cắm hoa, trang trí cho căn nhà nhỏ, tiểu thư Hà thành cũng rất chăm về thăm bố mẹ chồng ở Thái Bình.
Doãn Hải My về quê chồng sắm Tết sớm, được bố mẹ đãi toàn món ngon quê nhà
Cứ một hai tuần, người ta lại thấy Doãn Hải My check in ở Thái Bình. Lần trước thì đi đám cưới họ hàng và ăn canh cá đặc sản. Còn vừa mới ngày hôm qua, cô nàng lại khoe trên trang cá nhân những bức ảnh chụp cận, song, chỉ cần nhìn vào chi tiết cột nhà ốp đá sẽ nhận ra ngay căn nhà của bố mẹ Văn Hậu.
Từ góc chụp có thể thấy bà xã Đoàn Văn Hậu rất ấn tượng với cây cam sai trĩu quả và đã có cây đào nở hoa rực rỡ bên hiên nhà. Chưa hết, Doãn Hải My còn gián tiếp bày tỏ sự tâm đắc trước mâm cơm ở quê.
Trong đó, ta bắt gặp những món quen thuộc như thịt gà luộc, bánh chưng, canh xương..., đặc biệt là đĩa dưa hành muối, giò. Không phải sơn hào hải vị hay những món ăn đắt tiền nhưng có thể thấy đây là một mâm cỗ điển hình của các gia đình nông thôn miền Bắc, điển hình như ở "quê lúa" Hưng Hà, Thái Bình.
Khung ảnh của Doãn Hải My khiến không ít cư dân mạng bồi hồi, nhớ về mâm cơm bên gia đình và lại càng mong sớm đến Tết để trở về quây quần, thưởng thức những món ăn mang hương vị quê nhà.
Những món ngon nổi tiếng dịp Tết ở vùng quê Thái Bình
Giò Thái Bình
Ở trong mâm cỗ của người Thái Bình dù to hay nhỏ luôn có giò lụa. Các món ăn trong mâm cỗ có thể thay đổi như thế nào nhưng món giò vẫn luôn xuất hiện.
Nếu người Hà Nội vẫn nghe tới thương hiệu giò Ước Lễ, thì ở Thái Bình lại có giò Tiền Hải, Thái Bình. Đây là một thương hiệu giò nổi tiếng, không chỉ ở Thái Bình mà còn nổi tiếng ngon miền Bắc. Thái Bình có nhiều loại giò ngon nổi tiếng là giò lụa, giò nây, chả quế…
Khác với các loại giò ở nơi khác, giò lụa Thái Bình mang vị độc lạ, đậm đà của thịt, thơm của nước mắm Tiền Hải. Điều đặc biệt ở giò lụa Thái Bình là hoàn toàn tự nhiên. Người thợ làm giò không cho thêm bất kỳ một thứ bột hay chất phụ gia nào để làm cho giò cứng lại.
Để tạo ra giò ngon, người thợ luôn chú trọng đến phần chọn thịt lợn. Thịt lợn phải là lợn khỏe, chọn những miếng thịt mông còn nóng hổi vừa được giết mổ và làm sạch. Thứ hai là khâu xay giò. Khi thịt xay tới đâu sẽ gói thành cuộn giò tới đó. Sau đó giò sẽ được gói chặt bằng tay, gói trong lá chuối giúp giò thành phẩm có màu sắc, hương vị đặc trưng.
Lá chuối dùng để gói giò cần phải lựa cẩn thận, luộc qua để gói nếu không sẽ không ngon và nhanh hỏng. Thời gian luộc sẽ tùy theo kích cỡ giò, thường với giò 1kg sẽ luộc khoảng 1 tiếng là chín. Giò chín đều mịn nhẵn có màu hồng nhạt, ăn phải giòn, thơm mùi thịt khi thời gian luộc vừa đảm bảo độ chín. Cắt miếng giò ra phải có những lỗ nhỏ đựng nước ngọt trong đó, như vậy mới ngon.
Cá chép nằm võng - Món ăn dịp Tết độc đáo ở Thái Bình
Ẩm thực Thái Bình nổi tiếng với loạt đặc sản. Cá “nằm võng” là một món ăn vô cùng quan trọng thường xuất hiện trong tiệc khao lão (tục lên lão) tại địa phương, được tổ chức vào mùng 3 Tết âm lịch hàng năm.
Người dân nơi đây rất coi trọng mâm cỗ này nên mọi thứ đều phải được chuẩn bị và trình bày theo đúng truyền thống, gồm nhiều món quen thuộc như nem thính, thịt gà, canh mọc, chè đỗ, xôi,... Riêng món cá “nằm võng” được đặt ở vị trí cao, trang trọng nhất trên mâm cỗ.
Quá trình chiên cá rất kỳ công, đòi hỏi người chế biến phải giàu kinh nghiệm. Người ta phải chuẩn bị chiếc chảo sâu lòng cỡ lớn, dùng khoảng 5 lít mỡ lợn mới chiên được con cá chép nặng 2-3 cân.
Đặt võng cá ở giữa chảo mỡ, dùng muôi múc mỡ đang sôi rưới lên toàn bộ thân cá. Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhẫn nại sao cho cá chín vàng đều. Thậm chí, phải mất vài tiếng đồng hồ mới xong khâu rán cá. Khi cá chín vàng óng, người ta bắt đầu tháo võng, đặt thành phẩm lên mâm cỗ đã bày biện đủ món ăn.
Theo người làng Diệc, cá “nằm võng” đạt chuẩn phải đáp ứng nhiều tiêu chí như: thân cong như mái đình, miệng mở to, vảy đều tăm tắp và vàng óng, mắt cá phải còn nguyên. Nếu không đủ một trong các điều kiện trên, người đầu bếp phải chế biến lại, thay bằng con cá khác.
Đối với người làng Diệc, món cá chép “nằm võng” được chế biến kỳ công không chỉ thể hiện lòng hiếu kính với các bậc trưởng lão mà còn trở thành niềm tự hào, tình yêu với nền ẩm thực truyền thống của quê hương Thái Bình.