6 thói quen ngày Tết tàn phá gan, người Việt cần cảnh giác
Tết là thời gian để vui vẻ và tận hưởng, nhưng cũng cần chú ý điều chỉnh các thói quen sinh hoạt nhằm giữ gìn lá gan để đảm bảo sức khỏe.
Uống nhiều bia rượu
Rượu bia là thức uống quen thuộc trong các cuộc tụ họp dịp Tết. Tuy nhiên, việc làm dụng rượu bia quá đà sẽ tác động xấu trực tiếp đến gan.
Theo các chuyên gia y tế, gan là cơ quan xử lý tới 90% lượng cồn trong bia rượu. Gan sản sinh ra các enzyme để chuyển hóa cồn thành chất gây độc acetaldehyde, rồi xử lý tiếp thành các chất không độc hoặc ít độc hơn để đào thải ra ngoài. Nếu uống nhiều bia rượu khiến gan quá tải, acetaldehyde không được xử lý hết sẽ tích tụ trong gan, phá hủy tế bào gan, gây mệt mỏi, mẩn ngứa, mề đay hoặc các bệnh về gan như tăng men gan, viêm gan...
Ăn ít rau, nhiều thịt
Ngày Tết, mọi người nghỉ ngơi nhiều hơn nên nhu cầu năng lượng về cơ bản ít hơn so với ngày thường. Tuy nhiên, việc cung cấp năng lượng trong dịp Tết lại quá nhiều so với nhu cầu, bởi thực phẩm ngày Tết có năng lượng rất cao, chế độ ăn nhiều đường, chất béo béo, đạm động vật từ thịt cá, ít rau xanh chính là thủ phạm cho việc tăng cân, gia tăng tái phát bệnh mạn tính, trong đó bộ phận ảnh hưởng nhiều nhất đó là gan.
Các bác sĩ dinh dưỡng khuyến cáo trong bữa ăn ngày Tết cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, nên ăn tăng cường rau quả, hạn chế thịt, phủ tạng động vật, hải sản, rượu bia, bánh kẹo ngọt...
Ăn nhiều đồ dầu mỡ, đồ ngọt
Các món ăn ngày Tết thường giàu dinh dưỡng, nhiều dầu mỡ, chất béo, đạm, đường. Một mâm cơm ngày Tết có thể chứa đến 20.000 calo – cao gấp 10 lần bữa ăn thông thường. Không chỉ vậy, nhiều người còn ăn thêm các món ăn vặt khác như bánh kẹo, mứt...
Dung nạp nhiều những thực phẩm này sẽ tạo gánh nặng cho gan, khiến gan phải làm việc nhiều hơn để chuyển hóa thức ăn, lọc thải các chất độc hại. Nếu không thể đào thải kịp, các chất độc hại có thể gây tổn thương gan.
Uống ít nước, nhịn đi tiểu
Nước đóng vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Việc cơ thể không được cung cấp đủ nước có thể khiến các cơ quan nội tạng nhiễm độc, tích tụ cặn bã. Ngoài ra, nhịn tiểu cũng gây ra những tác hại tương tự bởi khi chất thải không được đưa ra ngoài, các độc tố sẽ quay trở lại và gây áp lực lớn, khiến gan phải làm việc cật lực hơn.
Thay vào đó, bạn nên tự nhắc bản thân uống nước thường xuyên hơn bằng cách đặt cốc nước hoặc bình nước cá nhân trên bàn làm việc để luôn nhớ và nhắc mình cần uống nước.
Thức khuya, dậy muộn
Thức khuya, dậy muộn là thói quen rất có hại cho sức khỏe, đặc biệt là lá gan của chúng ta. Khoảng thời gian từ 11 giờ đêm đến 2 giờ sáng là lúc gan tiến hành thải độc cho cơ thể. Quá trình này chỉ có thể diễn ra hiệu quả khi cơ thể chúng ta ở trạng thái nghỉ ngơi với giấc ngủ sâu. Việc thường xuyên thức khuya không chỉ khiến gan phải làm việc vất vả hơn mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tự phục hồi của cơ thể vào ban đêm. Chỉ với thay đổi nhỏ: ngủ sớm và ngủ đủ bạn đã có thể giảm bớt gánh nặng cho gan.
Lười tập thể dục
Dành phần lớn thời gian nghỉ lễ cho việc vui chơi, ăn uống, do vậy, nhiều người sẽ có rất ít thời gian để tập thể dục, vận động. Nếu đã quen với việc vận động mỗi ngày, việc dừng luyện tập sẽ khiến bạn mệt mỏi, cộng với việc ăn uống, ngủ nghỉ không điều độ càng làm trầm trọng hơn những vấn đề đó. Bác sĩ khuyên người dân cần duy trì vận động cơ thể 15-30 phút mỗi ngày.