Từ 15/2, quy định mới nhất về bảo hiểm thất nghiệp có gì thay đổi?

15/02/2024 15:47

Theo Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung, từ ngày 15/2, nhiều quy định mới liên quan đến hưởng bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực.

Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến hưởng bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/2. Cụ thể:

Hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi công ty không có người đại diện

Nhiều trường hợp người lao động nghỉ việc, không xin được giấy xác nhận chấm dứt hợp đồng lao động để làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp vì công ty không có người đại diện.

Theo Khoản 3 và 4, Điều 4 Thông tư số 28/2015/TT- BLĐTBXH, bổ sung tại Khoản 2, Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH, từ ngày 15/2, người lao động rơi vào trường hợp trên có thể đề nghị Sở LĐ,TB&XH hoặc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh làm thủ tục xác nhận.

Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thực hiện xác nhận mức đóng, thời gian đóng, thời gian gián đoạn và lý do gián đoạn đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Từ 15/2, quy định mới nhất về bảo hiểm thất nghiệp có gì thay đổi? - Ảnh 1.

Từ ngày 15/2, nhiều quy định liên quan đến hưởng bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực. Ảnh minh họa: TL

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính thế nào?

Theo Khoản 2, Điều 8 Thông tư số 28/2015/TT- BLĐTBXH, bổ sung tại Khoản 3, Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH, mỗi tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày người lao động bắt đầu hưởng trợ cấp thất nghiệp đến ngày đó của tháng sau trừ 1 ngày, trường hợp tháng sau không có ngày tương ứng thì ngày kết thúc của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày cuối cùng của tháng đó.

Ví dụ, ông Đặng Trần N được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian là 5 tháng, từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/5/2022.

Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông Nam được xác định như sau: Tháng hưởng thứ nhất là từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/1/2022; Tháng hưởng thứ hai là từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 28/2/2022; Tháng hưởng thứ ba là từ ngày 1/3/2022 đến hết ngày 31/3/2022; Tháng hưởng thứ tư là từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 30/4/2022; Tháng hưởng thứ năm là từ ngày 1/5/2022 đến hết ngày 31/5/2022".

Công thức tính thời gian bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp

Khoản 4, Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung Điều 9, Thông tư số 28/2015/TT- BLĐTBXH, quy định công thức xác định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu:

Từ 15/2, quy định mới nhất về bảo hiểm thất nghiệp có gì thay đổi? - Ảnh 2.

Những trường hợp nào được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp?

Khoản 4, Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung Điều 9 Thông tư số 28/2015/TT- BLĐTBXH quy định 5 trường hợp được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp như sau.

5 trường hợp được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp

1

Khi người lao động có tháng đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.

2

Khi người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

3

Khi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

4

Khi người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp.

5

Người lao động được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Những trường hợp nào không được bảo lưu?

Khoản 4, Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung Điều 9 Thông tư số 28/2015/TT- BLĐTBXH quy định có 2 trường hợp không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp:

Thứ nhất, trường hợp người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì những thời gian chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp không được bảo lưu.

Ví dụ, bà Vũ Thị H có tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 150 tháng. Như vậy, nếu bà H đáp ứng đủ các điều kiện thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp 12 tháng và được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 0 tháng.

Thứ hai, trường hợp người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu.

Tuy nhiên, thời gian được bảo lưu là thời gian chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Còn số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp lẻ, chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động sẽ không còn bảo lưu.

Những trường hợp nào không cần trực tiếp thông báo tìm kiếm việc làm?

Khoản 5, Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 10 Thông tư số 28/2015/TT- BLĐTBXH quy định 10 trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải trực tiếp thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm.

10 trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải trực tiếp thông báo hằng tháng

Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải trực tiếp thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm nếu thời gian thông báo về việc tìm kiếm việc làm nằm trong khoảng thời gian mà người lao động thuộc một trong các trường hợp:

1

Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên.

2

Ốm đau có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền.

3

Nghỉ hưởng chế độ thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền. Riêng đối với trường hợp nam giới có vợ chết sau khi sinh con mà phải trực tiếp nuôi dưỡng con thì giấy tờ xác nhận là giấy khai sinh của con và giấy chứng tử của mẹ.

4

Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền.

5

Bị hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

6

Cha, mẹ, vợ/chồng, con của người lao động chết; người lao động hoặc con của người lao động kết hôn có giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn.

7

Đang tham gia khóa học nghề theo quyết định của Giám đốc Sở LĐ,TB&XH và có xác nhận của cơ sở đào tạo nghề nghiệp.

8

Thực hiện hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 3 tháng.

9

Đi cai nghiện tự nguyện có xác nhận của cơ sở cai nghiện hoặc xác nhận của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

10

Chuyển nơi hưởng trợ cấp.

Bảo hiểm thất nghiệp là gì?

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (theo Khoản 4, Điều 3 Luật Việt làm 2013).

Nhờ có các chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp mà rất nhiều người lao động đã vượt quá khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, từ đó góp phần giúp ổn định thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội.