Lái xe cần nắm chắc thông tin này để ‘tiết kiệm' khi phải nộp phạt vi phạm giao thông
Theo quy định, cứ mỗi ngày chậm nộp phạt vi phạm hành chính (trong đó có vi phạm giao thông), cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp lãi 0,05% trên tổng số tiền phạt.
Thế nào được coi là chậm nộp phạt vi phạm giao thông?
Chậm nộp phạt vi phạm giao thông là tình trạng khi người vi phạm không thanh toán số tiền phạt vi phạm giao thông trong thời hạn quy định. Khi một người vi phạm giao thông nhận được biên bản vi phạm hoặc quyết định xử phạt từ cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm nộp phạt vi phạm trong một khoảng thời gian cụ thể.
Tuy nhiên, trong trường hợp chậm nộp phạt, người vi phạm sẽ không thực hiện việc thanh toán số tiền phạt trong thời hạn đã định, vi phạm quy định của pháp luật về giao thông.
Bao lâu bị coi là chậm nộp phạt vi phạm giao thông?
Khoản 1, Điều 73 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định, cá nhân và tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ quyết định xử phạt trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định đó. Trong trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành lâu hơn 10 ngày, thì thời hạn đó được áp dụng.
Khoản 1, Điều 5 của Thông tư 153/2013 của Bộ Tài chính cũng quy định, nếu sau 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân hoặc tổ chức chưa nộp tiền phạt, sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân hoặc tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Trường hợp người vi phạm được phép đóng phạt nhiều lần (mức phạt trên 15 triệu đồng đối với cá nhân và có khó khăn về kinh tế được UBND cấp xã xác nhận), thì thời hạn nộp phạt là 6 tháng.
Theo quy định trên, có hai mốc thời gian khi người vi phạm bị coi là nộp phạt quá hạn:
+ Thứ nhất, nếu thuộc trường hợp được đóng phạt nhiều lần, thời hạn là không quá 6 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực.
+ Thứ hai, trong các trường hợp khác, thời hạn nộp phạt là không quá 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt.
Số ngày chậm nộp bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp phạt đến trước ngày nộp vào ngân sách Nhà nước.
Việc thu tiền phạt căn cứ vào quyết định xử phạt của người có thẩm quyền. Khi nộp trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại, người nộp phải xuất trình quyết định xử phạt. Nếu chuyển khoản, người nộp ghi rõ nội dung nộp phạt, số quyết định.
Người thu tiền phạt trực tiếp phải lập bảng kê theo mẫu và nộp toàn bộ vào kho bạc Nhà nước theo quy định. Người bị xử phạt phải xuất trình hoặc gửi chứng từ thu, nộp để nhận lại giấy tờ tạm giữ.
Ngoài ra, Thông tư 18 cũng quy định không tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính trong thời hạn được hoãn thi hành quyết định xử phạt.
Cách tra cứu và nộp phạt vi phạm giao thông online
Đăng nhập tài khoản Dịch vụ công Quốc gia
Nếu chưa đăng ký tài khoản tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) thì hãy tham khảo cách đăng ký sau:
- Cách đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia:
Bước 1: Truy cập vào website dichvucong.gov.vn. Nhấn vào nút Đăng ký.
Bước 2: Chọn phương thức đăng ký, gồm có đối tượng đăng ký (công dân, doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước).
Đồng thời chọn xác minh mức độ trung bình của tài khoản. Tùy theo nhu cầu của mỗi người.
Bước 3: Tiến hành điền thông tin cá nhân, rồi nhấn nút Đăng ký.
Bước 4: Nhập mã xác nhận OTP được DVCQG gửi đến số điện thoại đăng ký.
Bước 5: Tạo mật khẩu đăng ký cho tài khoản.
- Cách đăng nhập tài khoản trên Cổng DVCQG:
Để đăng nhập vào tài khoản đã đăng kí trên website DVCQG, thực hiện các bước sau:
Bước 1: Chọn loại tài khoản muốn đăng nhập. Nếu đã đăng ký tài khoản trên DVCQG thì chọn mục loại Tài khoản cấp bởi Cổng DVCQG.
Bước 2: Tiến hành đăng nhập các thông tin cá nhân được yêu cầu.
Bước 3: Nhập mã xác thực OTP được gửi qua điện thoại và chọn xác nhận.
Tiến hành tra cứu quyết định xử phạt giao thông
Sau khi đăng nhập, chọn chức năng Thanh toán trực tuyến; sau đó chọn Tra cứu/thanh toán vi phạm giao thông, hệ thống hiển thị giao diện tra cứu quyết định xử phạt.
Tại đây, có thể chọn giữa Tra cứu theo mã quyết định hoặc Tra cứu theo biên bản vi phạm và tiến hành điền các thông tin bắt buộc như:
+ Số biên bản.
+ Họ tên người vi phạm.
+ Đơn vị lập biên bản xử phạt.
+ Tỉnh/thành phố, đơn vị CSGT.
+ Ngày vi phạm.
+ Mã bảo mật.
Sau khi cập nhật các thông tin nêu trên, chọn Tra cứu để xem quyết định xử phạt.
Khi người dùng đã tra cứu được quyết định xử phạt có thể thực hiện một trong hai cách sau: thanh toán và nhận kết quả tại cơ quan xử phạt hoặc thanh toán và nhận kết quả tại nhà qua dịch vụ bưu chính công ích.
Cách nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến
Trường hợp 1: Thanh toán và nhận kết quả tại cơ quan xử phạt
Bước 1: Khi chọn Thanh toán và nhận kết quả tại cơ quan xử phạt, hệ thống sẽ yêu cầu nhập các thông tin nộp tiền gồm có:
+ Họ tên người nộp tiền.
+ CMND/CCCD người nộp tiền.
+ Địa chỉ người nộp tiền.
Bước 2: Sau khi nhập đầy đủ các thông tin, người dùng bấm chọn Thanh toán, hệ thống sẽ chuyển sang giao diện của Nền tảng thanh toán của Cổng DVCQG để lựa chọn ngân hàng hoặc trung gian thanh toán.
Bước 3: Sau khi nhập đầy đủ thông tin thẻ ngân hàng theo hướng dẫn trên hệ thống, bấm nút Thanh toán và tiến hành xác nhận thanh toán.
Sau đó, sẽ nhận được thông báo đã thanh toán thành công cũng như có thể tải biên lai về máy tính hoặc điện thoại để xuất trình khi nhận giấy tờ tạm giữ tại cơ quan xử phạt (nếu có yêu cầu).
Trường hợp 2: Thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại nhà
Bước 1: Sau khi tra cứu biên bản xử phạt, chọn vào Thanh toán & nhận kết quả tại nhà.
Hệ thống sẽ tự điều hướng vào trang tiện ích và lưu lại thông tin trong Thông tin cá nhân > Tiện ích > Nộp phạt giao thông > Thông tin vi phạm.
Tại trang Thông tin vi phạm người dùng có thể tra cứu các quyết định xử phạt và tình trạng thanh toán (chưa thanh toán hoặc đã thanh toán).
Bước 3: Đối với các quyết định xử phạt chưa được thanh toán, lựa chọn Nhận kết quả tại nhà qua VNPost và bấm nút Thanh toán. Hệ thống sẽ hiển thị màn hình thông tin nhận kết quả tại nhà.
Bước 4: Sau khi kiểm tra thông tin nhận kết quả tại nhà, chọn Tiếp tục thanh toán để chuyển sang giao diện của Nền tảng thanh toán của Cổng DVCQG và lựa chọn ngân hàng hoặc trung gian thanh toán.
Bước 5: Sau khi nhập đầy đủ thông tin thẻ ngân hàng theo hướng dẫn trên hệ thống, bấm nút Thanh toán và tiến hành xác nhận thanh toán.
Trong trường hợp thanh toán và nhận kết quả tại nhà, có thể quản lý được các lịch sử giao dịch thanh toán bằng cách đăng nhập, chọn Thông tin cá nhân > Tiện ích > Nộp phạt giao thông > Lịch sử giao dịch.