Chuyện về 'báu vật' hàng trăm tuổi ở miền sơn cước
Cây gạo cổ thụ hàng trăm năm tuổi sừng sững cạnh những triền núi đá, chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của đất và người Thạch Hóa. Người dân xem cây là báu vật thiêng liêng, vô giá.
Với người dân xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình và bà con vùng phụ cận, chắc hẳn ai cũng biết đến cây gạo hoa cam cổ thụ ước chừng hàng trăm năm tuổi nằm trong khu bảo tồn cộng đồng voọc đen gáy trắng Tuyên Hóa.
Cây gạo cao chừng 30m, tán vươn rộng khoảng 20m với nhiều nhánh rất to tỏa bóng, mỗi nhánh có hình thù uốn lượn rất độc đáo giữa không trung. Gốc cây to đến cả chục người ôm không xuể, xung quanh là chi chít rễ lớn.
Để tiếp cận khu vực cây gạo sinh trưởng phải vượt qua nhiều con đường đất quanh co giữa cánh đồng xanh mướt. Bởi đây là khu bảo tồn cộng đồng voọc gáy trắng nên khung cảnh vẫn còn hoang vu, chưa có tác động nhiều từ con người. Nổi bật giữa màu xanh núi rừng là bóng cây gạo sừng sững.
Theo các bậc cao niên của làng, không ai biết cây gạo này có từ bao giờ, chỉ biết, từ nhỏ họ đã thấy cây gạo tỏa bóng mát bên cánh đồng làng. Nhiều người ước chừng cây gạo có tuổi đời khoảng 500 năm. Cây chứng nhân cho bao đổi thay của đất và người Thạch Hóa từ thời kỳ lập làng cho đến bây giờ.
Cụ Mai Xuân Thưởng (SN 1932) cho biết, từ lúc cụ sinh ra và biết nhớ những hình ảnh của quê hương thì đã thấy cây gạo ở đó. Khi hỏi các bậc tiền bối, họ cũng không biết được tuổi của cây gạo mà chỉ biết trong lời truyền miệng cây gạo gắn bó với làng, với người Thạch Hóa qua rất nhiều thế hệ.
Cây gạo sinh trưởng và dõi theo sự biến chuyển của vùng đất này, thời kỳ kháng chiến, dù vùng đất này liên tục bị bom cày đạn xới, nhiều cây cổ thụ ngã đổ, nhưng cây gạo vẫn nguyên vẹn, sừng sững giữa đất trời nơi đây.
Cây gạo này không chỉ biểu hiện cho sức sống dẻo dai, mà còn gắn liền với đời sống tâm linh, với hình ảnh làng quê. Bên cạnh cây gạo là miếu Bà Sơn, miếu này thờ một trưởng nữ có công với làng. Hằng năm, mỗi khi người dân vào cúng bái tại miếu thường ghé thăm cây gạo.
"Khi tôi sinh ra, cây gạo đã sừng sững đứng đó với nhiều cành nhánh dài vươn rộng ra xung quanh. Cây gạo cho bóng mát chở che, ôm ấp dân làng Thạch Hóa từ bao đời", cụ Thưởng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thanh Tú (SN 1962), nhân viên Khu bảo tồn voọc gáy trắng Tuyên Hóa thì trước đây nhiều người nghĩ một số bộ phận cây gạo có thể trị bệnh, do không có người bảo vệ nên một phần của cây bị xâm hại. Mong muốn bảo vệ cây quý, ông cùng nhiều người dân tổ chức ra phát quang và bảo vệ cây gạo cùng với loài voọc quý hiếm.
Ngoài việc bảo vệ đàn Voọc đen gáy trắng, ông Tú cùng nhiều người tự nguyện bảo vệ cây gạo cổ thụ.
Ngoài việc tình nguyện bảo vệ cây gạo cổ thụ, ông Tú đề xuất với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng làm hồ sơ gửi cho Hội Di sản văn hóa Việt Nam đề nghị công nhận Cây di sản.
Ông Tú cho biết thêm, cây hoa gạo thường nở vào tháng 3 đến tháng 4 hằng năm, cây ra hoa đỏ nổi bật giữa núi rừng xanh ngắt, hình ảnh đó đẹp như tranh. Thời điểm này, các đàn voọc đen gáy trắng và nhiều loài chim thường tìm đến cây gạo để kiếm ăn, tạo nên khung cảnh yên bình, đẹp mắt giữa cánh đồng xanh ngát.
Ông Trần Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa cho biết, cây gạo hoa cam cổ thụ ở địa phương được công nhận Cây di sản đầu tiên của Quảng Bình. Hiện địa phương đang triển khai mở đường vào khu vực cây gạo hoa cam để đón nhận bằng di sản của Hội Di sản văn hóa Việt Nam trong năm 2024.
Ông Bằng cho biết thêm, cây gạo hoa cam này là niềm tự hào của nhân dân Thạch Hóa. Nó là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, tinh thần đoàn kết, yêu nước của người dân nơi đây.