Cận cảnh màn rước siêu hương của 300 người trước giờ khai ấn đền Trần
Lễ hội khai ấn đền Trần ở phường Lộc Vượng, TP Nam Định bắt đầu mở màn từ ngày hôm nay ngày 20/2 (tức ngày 11 tháng Giêng). Mở đầu là màn rước hiệu Ngọc Lộ (rước chân nhang của Vua Trần Nhân Tông).
Rước kiệu Ngọc Lộ mở màn lễ hội đền Trần
Theo thông tin từ cơ quan chức năng TP Nam Định, tỉnh Nam Định, sáng ngày 20/02 (tức ngày 11 tháng Giêng), tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Trần – chùa Tháp thuộc phường Lộc Vừng, TP Nam Định đã diễn ra lễ rước kiệu Ngọc Lộ (rước chân nhang của Vua Trần Nhân Tông - PV).
Nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ được thực hiện bởi các cụ cao niên và nhân dân làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng, TP Nam Định. Được biết, đây là nghi thức quan trọng, mở đầu cho lễ hội khai ấn đền Trần, Xuân Giáp Thìn năm 2024.
Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, nghi thức rước hương linh Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông về bái yết tiên tổ triều Trần và chứng kiến nghi lễ thờ thủy tổ dòng họ. Nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ còn mang ý nghĩa tri ân công đức các bậc tổ tiên, dung hòa các tôn giáo, tín ngưỡng và giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu.
Mở màn lễ hội khai ấn đền Trần năm 2024 là màn rước kiệu Ngọc Lộ.
Theo ghi nhận, đúng 7h30, nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ bắt đầu với sự tham gia của đoàn rước khoảng 300 người gồm: Đội lân, rồng, đội cờ ngũ sắc, nghi trượng, dàn bát âm, đoàn tế nam quan, đoàn tế nữ quan, kiệu sứ giả, kiệu Ngọc Lộ,... theo sau là các phật tử xuất phát từ đền Thiên Trường sang chùa Phổ Minh.
Tại đây, các cụ cao niên thực hiện các nghi lễ xin chân nhang tại ban thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông (vị vua thứ ba của nhà Trần), cùng là người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm. Sau đó, siêu hương được đặt trên kiệu Ngọc Lộ và rước về đền Thiên Trường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ tại Đền Trần đã có từ rất lâu đời, sau này dần bị mai một và thất truyền đầu thế kỷ XX. Để tái hiện lại đầy đủ các nghi lễ chính trong lễ hội khai ấn đền Trần với đầy đủ bản sắc, năm 2015, tỉnh Nam Định đã phục dựng lại nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ vào ngày 11 tháng Giêng hằng năm. Qua đó, nhằm hoàn thiện các nghi lễ cốt lõi trong các hoạt động lễ hội khai ấn đền Trần.
Chi tiết ngày diễn ra lễ khai ấn
Theo đại diện Ban quản lý khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần - chùa Tháp cho biết, lễ hội khai ấn đền Trần Xuân Giáp Thìn năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 20/2 đến ngày 25/2 (tức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng). Trong đó, ngày 11 tháng Giêng (20/2) tổ chức lễ rước Kiệu Ngọc Lộ; ngày 12 tháng Giêng (21/2) tổ chức lễ rước Nước, tế Cá.
Siêu hương được đặt vào kiệu Ngọc Lộ và rước về đền Trần.
Ngày 14 tháng Giêng (23/2): từ 22h15 đến 22h40 thực hiện nghi lễ dâng hương, từ 22h40 đến 23h10 tổ chức nghi lễ rước Kiệu ấn, từ 23h15 thực hiện nghi lễ khai ấn.
Từ 5h ngày 15 tháng Giêng (24/2) tổ chức phát ấn cho người đi lễ hội tại 3 địa điểm: Nhà Giải vũ, Nhà Trưng bày, Đền Trùng Hoa. Ngày 16 tháng Giêng (25/2) tổ chức tế, lễ Tết thượng nguyên tại đền Cố Trạch và làm lễ dâng chúc văn hoàn cung.
Trong lễ hội khai ấn đền Trần Xuân năm nay, Ban tổ chức lễ hội dự kiến sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi, hấp dẫn như: biểu diễn trống hội cà rùng; chơi cờ bỏi; tổ tôm điếm; múa lân - sư - rồng; thả diều sáo; hát chèo; hát văn; hát xẩm; múa rối nước.
Cùng với tổ chức chương trình "Mùa Xuân thượng võ" - biểu diễn võ thuật, thi đấu vật, các chương trình nghệ thuật của Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh và các đoàn nghệ thuật của các địa phương.
Ngoài ra còn có trưng bày triển lãm sinh vật cảnh, giới thiệu các sản phẩm OCOP Nam Định; tổ chức triển lãm "Hành cung Thiên Trường - Dấu ấn vàng son", triển lãm "Ảnh đẹp du lịch Nam Định". Địa điểm tổ chức các hoạt động tập trung tại khu vực sân quảng trường Đông A thuộc khu trung tâm lễ hội Trần, dự kiến sẽ thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự.
Được biết, lễ hội khai ấn đền Trần ở tỉnh Nam Định được coi là một lễ hội nổi tiếng, thu hút hàng triệu người dân, du khách thập phương đến với mảnh đất Thành Nam để xin ấn, dâng lễ, cầu may và xin tài lộc.
Những điều cần lưu ý trong ngày khai ấn
Để đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) lễ hội Khai ấn đền Trần nhằm bảo đảm cho lễ hội diễn ra an ninh, an toàn, duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống, Công an tỉnh Nam Định đã triển khai phương án đảm bảo an ninh trật tự lễ hội khai ấn đền Trần Xuân Giáp Thìn năm 2024.
Theo đó, Công an tỉnh Nam Định đã xây dựng sẵn sàng các phương án phân luồng đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; phương án phòng, chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ; phương án tuần tra cắm chốt đảm bảo ANTT, phòng ngừa tội phạm.
Cụ thể, Công an tỉnh giao, Công an TP Nam Định phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ huy động hơn 2.500 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên các lực lượng tham gia đảm bảo ANTT chia thành 5 vòng, trong đó trực tiếp 4 vòng tại khu vực Đền Trần với gần 40 chốt bảo vệ, không để xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, mất an toàn.
Từ khoảng 20h ngày 14 tháng Giêng (tức ngày 23/2), lực lượng làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân ra ngoài khuôn viên đền Trần gồm: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Hoa để cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nghi thức dâng hương tưởng nhớ công đức các Vua Trần, nhà đền tổ chức rước kiệu Ấn, sau đó tiến hành Khai Ấn tại Đền Thiên Trường vào lúc 23h15 phút.
Từ 5h sáng hôm sau (tức ngày 24/2) tổ chức phát Ấn cho người dân và du khách.
Công an tỉnh yêu cầu toàn bộ cán bộ, chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ chấp hành nghiêm điều lệnh Công an nhân dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc chức trách nhiệm vụ được giao, góp phần để lễ hội Khai ấn đền Trần 2024 diễn ra an toàn, lành mạnh, văn minh, góp phần lan tỏa giá trị văn hoá truyền thống, nhân văn đến với bạn bè, du khách.