Xét nghiệm máu cho chỉ số ung thư tăng cao nên làm gì?
Khi thực hiện khám, xét nghiện tầm soát ung thư, trong đó có thử máu - những dấu ấn chất chỉ điểm của ung thư có kết quả tăng cao khiến nhiều người rất lo lắng bản thân bị ung thư. Thực tế là như thế nào?
Những chất chỉ điểm ung thư được gọi là tumor marker, là những dấu ấn chất chỉ điểm của ung thư không phải là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định bị ung thư, nó chỉ là yếu tố giúp gợi ý cho chúng ta nghĩ tới bệnh ung thư. Và thực tế chỉ số tumor marker tăng không chỉ trong các bệnh lý về ung thư mà còn có thể tăng trên một số bệnh lý lành tính khác. Do đó, không nên quá lo lắng về vấn đề này, mà hãy bình tĩnh để được tư vấn và chẩn đoán làm sao để phù hợp hơn.
Chất chỉ điểm ung thư là những chuyển hóa được tạo ra bởi các tế bào ung thư và những tế bào khác có liên quan đặc biệt đến sự hiện diện của các tế bào ung thư. Những chất chỉ điểm ung thư này được tìm thấy trong dịch cơ thể, ở mô hoặc ở trên bề mặt của các bướu và khi ta tầm soát sẽ thường lấy dịch ở cơ thể là máu.
Và các xét nghiệm này giúp ích trong việc đánh giá đáp ứng của điều trị ung thư. Theo dõi bệnh nhân ung thư (TG-Thyroglobulin…) tái khám.
Còn nếu xác định có mắc ung thư hay không bệnh nhân cần có các xét nghiệm lâm sàng khác, chẳng hạn như nội soi, CTscan, MRI, chụp PET/CT, thậm chí có những kết quả sinh thiết còn nghi ngờ thì những dấu ấn chỉ điểm ung thư sẽ giúp tăng thêm những chẩn đoán xác định dương tính với bệnh ung thư.
Tầm soát ung thư bao gồm những mục gì?
Tùy vào độ tuổi, gói khám sức khỏe sẽ có khác biệt về các mục cần kiểm tra. Người bệnh sẽ được tư vấn cụ thể, tuy nhiên, một gói khám tầm soát ung thư thường có những mục sau:
- Hỏi bệnh và khám bệnh: Giúp kiểm tra sức khỏe tổng quát của bạn, và các dấu hiệu bệnh lí, như: những nốt, sang thương hoặc bất cứ thứ gì không giống với bình thường.
- Xét nghiệm: Kiểm tra mẫu mô, mẫu máu, mẫu nước tiểu hoặc các chất khác trong cơ thể của bạn gợi ý đến các ung thư. Xét nghiệm chuyên sâu tìm dấu hiệu ung thư (các loại ung thư phổ biến: gan, phổi, vú, tuyến giáp, tuyến giáp, tuyến tiền liệt, vòm họng, dạ dày, đại trực tràng)
- Chẩn đoán hình ảnh: Những phương tiện tạo ra hình ảnh của các bộ phận bên trong cơ thể bạn, giúp khảo sát các bất thường về mặt cấu trúc và chức năng của những cơ quan đó, qua đó gợi ý những hình ảnh sớm nhất có thể của khối u.
- Kiểm tra gene: Là những xét nghiệm để tìm các đột biến gen có liên quan đến một vài loại ung thư (gói chuyên sâu-kiểm tra khả năng di truyền của các bệnh ung thư).
- Tư vấn chuyên môn
Cần làm gì?
Khi bệnh nhân thử máu và có chỉ số marker ung thư tăng và trong khi chờ đợi các kết quả chính xác của bác sĩ thì người bệnh nên bình tĩnh, không quá lo lắng.
Hàng ngày, cần ăn uống, tập luyện khoa học. Tăng cường uống nước (3 lít/ ngày), ăn chín uống sôi, hạn chế chất kích thích (thuốc lá, cafe, trà ...) và các thực phẩm lên men ( cà muối, dưa muối, tương chao...). Không hút thuốc lá, thuốc lào; không sử dụng rượu bia, chất kích thích…
Ngủ đủ giấc và giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, tránh lo buồn quá mức có thể ảnh hưởng tới sức khỏe. Chú ý cơ thể mình xem có gì khác lạ không để dễ tập trung vào việc chẩn đoán bệnh.
Trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư, giai đoạn phát hiện bệnh là yếu tố quyết định đến khả năng chữa trị. Phát hiện bệnh sớm đồng nghĩa với tăng cơ hội được chữa trị thành công. Chính vì điều đó, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo về sự cần thiết nâng cao nhận thức trong công tác chẩn đoán sớm và thực hiện sàng lọc.
Mỗi phương tiện tầm soát đều có lợi ích và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại, vì lí do đó chúng ta cần phải trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện bất kì xét nghiệm tầm soát ung thư nào.
Lợi ích của tầm soát ung thư là phát hiện các tổn thương tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm nhất khi chúng chưa có biểu hiện triệu chứng, những giai đoạn này có thể được điều trị triệt để. Tuy vậy, cũng có thể có nhưng bất lợi nhất định là có thể gặp phải là kết quả dương tính giả, khi bác sĩ quan sát thấy những hình ảnh giống với ung thư nhưng thực sự không phải ung thư. Kết quả này sẽ dẫn đến việc thực hiện nhiều xét nghiệm, tốn kém nhiều về tiền bạc và thời gian, ngoài ra còn mang lại cảm giác lo lắng cho người tầm soát.
Bất lợi gặp phải tiếp theo là chẩn đoán quá mức, khi bác sĩ tìm thấy những thứ nghi ngờ sẽ tiến triển thành ung thư. Điều này dẫn đến những điều trị không thực sự cần thiết, được gọi là điều trị quá mức.
Do vậy, để tầm soát bệnh ung thư chúng ta cần đến cơ sở y tế có uy tín để được thăm khám và tư vấn cụ thể.