Tổng cục Thống kê vừa công bố thông tin: 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,72 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,5 tỷ USD).
Ở chiều xuất khẩu, kim ngạch thực hiện tháng 2/2024 ước đạt 24,82 tỷ USD, giảm 28,1% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,62 tỷ USD, giảm 30,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 18,2 tỷ USD, giảm 27,2%.So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu tháng 2 giảm 5%; trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 0,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 7%.Về nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2024 ước đạt 23,72 tỷ USD, giảm 23,2% so với tháng trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 19,67 tỷ USD, tăng 27,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 34,95 tỷ USD, tăng 13,3%.Như vậy, 2 tháng, kim ngạch xuất khẩu của cả ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước, với 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 75,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 04 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,5%).Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, 2 tháng, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 51,47 tỷ USD, chiếm 94,2%; trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 47%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47,2%; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 3,15 tỷ USD, chiếm 5,8%Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng qua, với kim ngạch ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 8,1 tỷ USD, tăng 7,7%, sang Nhật Bản đạt 4,0 tỷ USD, tăng 19,6%...Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,9 tỷ USD, tăng 49,7%, nhập từ ASEAN đạt 6,5 tỷ USD, tăng 2,2%, từ EU 7,7 tỷ USD, tăng 14,7%...Trong 2 tháng đầu năm, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 15,2 tỷ USD tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9%; xuất siêu sang Nhật Bản 0,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,2 tỷ USD); nhập siêu từ Trung Quốc 12,8 tỷ USD, tăng 98,2%; nhập siêu từ Hàn Quốc 3,7 tỷ USD, giảm 4,3%; nhập siêu từ ASEAN 1 tỷ USD, giảm 21,9%.Để đạt được mục tiêu Quốc hội đặt ra đối với thương mại quốc tế của Việt Nam, Tổng cục Thống kê đề xuất Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường vĩ mô thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa; xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách kinh tế, thương mại cần thực hiện đồng bộ và thường xuyên; tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng và minh bạch.Bên cạnh đó, ngành công thương phát triển xuất khẩu bền vững đi liền với đa dạng hóa thị trường hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác. Thực tế cho thấy, Việt Nam đang phụ thuộc chủ yếu vào một số thị trường xuất khẩu lớn. Vì vậy, khi các quốc gia này rơi vào giai đoạn khủng hoảng, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với những cú sốc lớn và bị gián đoạn.Cùng với đó, ngành công thương cần giảm thiểu rủi ro do điều tra phòng vệ thương mại hướng tới tăng trưởng xuất khẩu bền vững; đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp những mặt hàng có thể gặp rủi ro bị tiến hành điều tra; đồng thời, thực hiện các giải pháp chứng minh hàng hóa Việt Nam không bán phá giá.Ngoài ra, Bộ Công Thương cần cân bằng cán cân thương mại với các đối tác như triển khai nhiều hơn các chương trình giúp doanh nghiệp của các đối tác lớn tiếp cận được với doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó, cần có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi hơn, đặc biệt cần giảm thuế cho các mặt hàng máy móc, thiết bị từ các thị trường mà Việt Nam đang có thặng dư thương mại…Về phía cơ quan quan lý địa phương, ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh đã và đang không ngừng đẩy mạnh đa dạng giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng; đảm bảo tăng trưởng các chỉ tiêu công nghiệp, thương mại... ngay từ đầu năm 2024.
Liên quan đến giải pháp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng trên địa bàn thành phố và mở rộng thị trường xuất khẩu, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới hoạt động để đạt được mục tiêu tăng trưởng như gặp gỡ, kết nối Văn phòng đại diện thương nhân, doanh nghiệp, FDI, hiệp hội doanh nhân nước ngoài với hiệp hội doanh nghiệp trong nước...