Sáng 24/11: Những biến thể mới có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp

24/11/2022 08:21

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số ca COVID-19 nặng, nguy kịch tiếp tục có xu hướng giảm, so với tháng trước giảm 23,7%. Tuy nhiên WHO đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp...

Số ca COVID-19 nặng, nguy kịch tiếp tục có xu hướng giảm

Bộ Y tế cho biết ngày 23/11 có 546 ca mắc COVID-19 , tăng hơn 200 ca so với ngày trước đó; trong ngày tiếp tục không ghi nhận bệnh nhân tử vong. Bệnh nhân nặng cũng tăng nhẹ, hiện có 55 ca nặng đang điều trị, gồm thở oxy qua mặt nạ: 48 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 3 ca.

Đến nay cả nước đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc COVID-19; hơn 10,6 triệu người khỏi bệnh (92,2%) và hơn 43.000 ca tử vong (0,4%).

Tính trên 1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.336 ca nhiễm); số tử vong xếp thứ 139/230 nước trên thế giới, 03/11 nước khu vực ASEAN.

Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 9.779.921 ca mắc (chiếm 85% tổng số mắc đợt dịch thứ 4), trong đó riêng 3 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 7.833.352 ca mắc (chiếm 80% tổng số ca mắc trong năm), tuy nhiên số mắc đã giảm mạnh từ tháng 4 đến nay, hiện chỉ còn ghi nhận trung bình 400 ca mắc mới mỗi ngày.

Sáng 24/11: Những biến thể mới có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp - Ảnh 2.

Số ca COVID-19 nặng, nguy kịch tiếp tục có xu hướng giảm, so với tháng trước giảm 23,7%.

Về số ca nặng, nguy kịch tiếp tục có xu hướng giảm, so với tháng trước giảm 23,7%.

Về số tử vong, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 10.775 ca tử vong (chiếm 25% tổng số tử vong đợt dịch thứ 4), trong đó riêng 3 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 10.099 ca tử vong (chiếm 93,7% tổng số tử vong trong năm), tuy nhiên số tử vong đã giảm mạnh từ tháng 4 đến nay, hiện chỉ còn ghi nhận rải rác 1-2 ca tử vong mỗi ngày, nhất là có tuần không ghi nhận tử vong nào.

Những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp

Theo Bộ Y tế, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian; virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp, nguy cơ gia tăng trở lại đồng thời khuyến cáo việc duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vaccine .

Tại hội nghị trực tuyến công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 và phòng, chống dịch diễn ra hôm qua (23/11), Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các sở, ban, ngành trong công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như các dịch sốt xuất huyết, cúm, whitmore..., các dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào; Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh nói chung, dịch COVID-19 nói riêng và tiêm vaccine COVID-19.

Nghiên cứu sinh của Trường Đại học Y Hà Nội phát triển cả về lượng và chất

Có 80 báo cáo của các nghiên cứu sinh, trong đó, 30 báo cáo bằng tiếng Anh và 50 báo cáo bằng tiếng Việt, được trình bày tại Hội nghị Khoa học nghiên cứu sinh của Trường Đại học Y Hà Nội diễn ra ngày 23/11.

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, sau 28 lần tổ chức, Hội nghị Khoa học nghiên cứu sinh đã có những bước phát triển lớn cả về số lượng lẫn chất lượng, đánh dấu sự liên tục nâng cao chất lượng và đổi mới trong công tác đào tạo nghiên cứu sinh của Trường.

Nghiên cứu sinh là những người đang ở bậc học cao nhất và tinh hoa nhất của Trường, nên nhà trường phải cố gắng để giữ những tinh hoa đó, là yêu cầu lớn đối với Phòng Quản lý đào tạo Sau đại học. Vì thế, Ban Giám hiệu đề nghị không hạ tiêu chuẩn nghiên cứu sinh, đặc biệt là tiêu chí nghiên cứu và xuất bản quốc tế.

"Tới đây, có thể Trường còn yêu cầu cao hơn tiêu chuẩn đang thực hiện và của Bộ GD&ĐT. Trường đang rà soát các chương trình đào tạo sau đại học. Dần dần, nghiên cứu sinh là đi sâu và tập trung vào nghiên cứu, thay vì phải cùng lúc làm nhiều nhiệm vụ"- GS.TS Nguyễn Hữu Tú nói.

Trường Đại học Y Hà Nội hiện quản lý 261 nghiên cứu sinh từ khóa 33 đến khóa 40, trong đó, có 193 nghiên cứu sinh chưa bảo vệ luận án cấp cơ sở thuộc các khóa từ 35 đến khóa 40. Số lượng nghiên cứu sinh của Trường chiếm ¼ tổng số nghiên cứu sinh của tất cả các trường đại học khối ngành sức khỏe trên cả nước. Chất lượng các nghiên cứu sinh đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Bộ GD&ĐT.

Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 643,9 triệu ca, trên 6,6 triệu ca tử vong.

Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết cơ quan này đang lập danh sách mới cập nhật các mầm bệnh có nguy cơ gây ra đại dịch hoặc các đợt bùng phát dịch, cần ưu tiên theo dõi chặt chẽ.

Cho đến nay, trong danh sách này có COVID-19, bệnh do virus Ebola gây ra, bệnh sốt xuất huyết do virus Marburg, sốt Lassa do arenavirus, Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS), Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), virus Nipah, Zika và "bệnh X" - cụm từ các nhà khoa học dùng để chỉ một mầm bệnh chưa biết, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và gây ra dịch bệnh nghiêm trọng trên thế giới.

Theo WHO, mục đích của việc lập danh sách cập nhật này là nhằm bổ sung thêm các mầm bệnh cần theo dõi nhằm định hướng nghiên cứu, phát triển và đầu tư trên toàn cầu, đặc biệt là phát triển vaccine, các xét nghiệm sàng lọc và các phương pháp điều trị


Thái Bình