Nghi phạm tạt axit, đâm vợ tử vong ở Bắc Giang đối diện mức án nào?
Theo các chuyên gia pháp lý, nghi phạm trong vụ án này sẽ bị áp dụng nhiều tình tiết tăng nặng, có thể phải đối diện khung hình phạt cao nhất.
Ngày 23/11, thông tin từ Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự đang tạm giữ Thân Văn Hiếu (SN 1997, trú xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi giết người .
Tại cơ quan công an, Hiếu khai kết hôn với chị N. (SN 1998). Quá trình chung sống nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Sau đó, chị T. về nhà bố mẹ đẻ.
Trong thời gian chị T. về nhà bố mẹ đẻ, Hiếu hay uống rượu và nghi ngờ vợ có người đàn ông khác. Suy nghĩ này dồn nén khiến Hiếu nảy sinh ý định sát hại vợ.
Theo lời khai, tối 21/11, phát hiện vợ điều khiển xe máy về nhà mẹ đẻ, Hiếu phóng xe đuổi theo, tạt axit. Lúc này, nạn nhân điều khiển xe máy bỏ chạy, kêu cứu thảm thiết.
Hiếu tiếp tục đuổi, dùng dao đâm nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong tại chỗ, rồi vứt hung khí, rời khỏi hiện trường.
Vào cuộc điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang đã tiến hành triệu tập Hiếu, tại thời điểm bị bắt, đối tượng trong tình trạng say xỉn.
Nhận định về vụ việc trên, luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi của đối tượng thể hiện sự côn đồ, tàn nhẫn, coi thường pháp luật, phạm tội đến cùng, thể hiện tính ích kỷ, xem nhẹ tính mạng, sức khỏe của người khác.
Cũng theo luật sư Vân, axit là loại hóa chất nguy hiểm, có khả năng gây bỏng nặng ngay lập tức khi tiếp xúc với da của con người. Hành vi tạt axit vào người nạn nhân là hành vi nguy hiểm, có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 cùng tình tiết định khung "Dùng axit sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" theo điểm b, khoản 1 Điều này.
Sau khi tạt axit, đối tượng tiếp tục dùng dao truy sát và đâm nhiều nhát vào cổ, lưng, sườn khiến nạn nhân tử vong tại hiện trường. Đây là hành vi cho thấy sự côn đồ, hung hăng và có dấu hiệu cấu thành tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp: Giết 2 người trở lên; Giết người dưới 16 tuổi; Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; Có tính chất côn đồ; Tái phạm nguy hiểm; Vì động cơ đê hèn... thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
"Đối chiếu quy định trên có thể thấy, hành vi của đối tượng có thể bị áp dụng nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như có tính chất côn đồ, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, vì động cơ đê hèn...
Do nạn nhân đã tử vong nên đối tượng này có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình", luật sư Hồng Vân nhận định.
Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp) cho rằng, với việc cố ý truy sát và tấn công cho tới khi nạn nhân tử vong, nghi phạm còn chịu thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng" theo Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015. Do vậy, Thân Văn Hiếu có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là tù chung thân hoặc tử hình.
Theo luật sư Cường, thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ án mạng vì tình cho thấy đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều người thiếu kỹ năng sống, thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc, ích kỷ, tham lam và coi thường pháp luật. Chỉ vì lợi ích của bản thân, vì cảm xúc của bản thân, vì thỏa mãn những nhu cầu bản thân mà sẵn sàng ra tay sát hại bất kỳ ai, dù đó là người thân thiết nhất của mình. Những vụ án mạng vì tình như vậy không chỉ liên quan đến đối tượng gây án và nạn nhân mà còn là một nỗi đau trong gia đình, khiến những đứa trẻ bơ vơ, gây hoang mang lo lắng trong xã hội.
Để giảm thiểu những vụ án mạng vì tình đau lòng như vậy, Luật sư Cường cho rằng vấn đề đạo đức xã hội cần phải được nâng cao thông qua hoạt động giáo dục và tự giáo dục. Cần phải xây dựng nếp sống văn hóa, hình thành những chuẩn mực đạo đức xã hội, trong đó tình yêu thương, lòng nhân ái, trách nhiệm với cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm, gắn kết hơn nữa giữa những thành viên trong gia đình, khi mâu thuẫn vợ chồng xảy ra thì cần có sự sẻ chia, khuyên can, hỗ trợ, can thiệp kịp thời của người thân, bạn bè, cơ quan đoàn thể để làm sao mâu thuẫn được kiểm soát và giải quyết, tránh trường hợp bế tắc, không có lối thoát dẫn đến hành vi phạm tội.
Thảo Phượng