Nhiều trẻ xuất huyết tiêu hóa, bác sĩ khuyến cáo đề phòng biến chứng

07/03/2024 09:26

Thời gian vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận nhiều bệnh nhi xuất huyết tiêu hoá do loét dạ dày tá tràng. Bác sĩ khuyên cáo nếu không được phát hiện sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhi nam 14 tuổi, có biểu hiện đau bụng vùng thượng vị khoảng vài tháng nay, đau chủ yếu khi đói, kèm theo ợ hơi. Trước vào viện 5 ngày, trẻ đi ngoài phân đen kèm theo triệu chứng chóng mặt tăng dần. Khi nhập viện, trẻ có triệu chứng thiếu máu rõ, da xanh, niêm mạc nhợt... Trẻ được chỉ định truyền khối hồng cầu và nội soi dạ dày tá tràng phát hiện ổ loét hành tá tràng kích thước 5mm. Sau 7 ngày điều trị, trẻ được xuất viện và dùng thuốc theo đơn ngoại trú.

Trường hợp thứ là bệnh nhi nam là 12 tuổi, không có tiền sử bất thường, vào viện vì nôn máu đỏ tươi khoảng 300ml và chóng mặt nhiều. Trẻ có triệu chứng thiếu máu rõ, da xanh, niêm mạc nhợt. Bệnh nhi được truyền khối hồng cầu và nội soi dạ dày cấp cứu cho kết quả ổ loét mặt trước hành tá tràng kích thước 5mm. Sau 8 ngày điều trị, trẻ ổn định, không có biểu hiện tái xuất huyết và được xuất viện.

Trường hợp thứ ba là bệnh nhi nữ 9 tuổi, không có tiền sử bất thường, vào viện vì nôn ra dịch nâu và chóng mặt. Sau đó bệnh nhi được truyền khối hồng cầu và nội soi dạ dày cấp cứu thấy hành tá tràng có ổ loét kích thước khoảng 1cm, bờ phù nề, đáy có cục máu đông. Bác sĩ nội soi tiến hành phá cục máu đông, sau 8 ngày điều trị, trẻ được ra viện và dùng thuốc theo đơn ngoại trú.

Theo bác sĩ Phạm Văn Dương - Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trẻ em ít gặp bệnh lý dạ dày - tá tràng hơn người lớn, vì dạ dày trẻ chưa trải qua nhiều thử thách. Tuy nhiên vẫn có thể gặp viêm dạ dày cấp, mạn tính, viêm tá tràng cấp tính như ở người lớn.

Nếu viêm loét dạ dày tá tràng không được phát hiện sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có xuất huyết tiêu hóa. Để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo người dân lưu ý một số thói quen trong chế độ sinh hoạt như: Không hút thuốc lá, sử dụng rượu bia; Hạn chế thức ăn chua, cay, nhiều dầu mỡ; Không ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh; Không cho trẻ xem ti vi, chơi điện tử trong khi ăn; Không gây áp lực cho trẻ về cuộc sống, sinh hoạt, học tập, nên tạo tâm lý thoải mái qua đó giúp cho việc điều trị bệnh trở nên thuận lợi hơn.

Đồng thời cần chú ý cho trẻ ăn đầy đủ 3 bữa chính, nên ăn đúng giờ. Chia nhỏ bữa trong ngày, không để quá đói hoặc ăn quá no. Khuyến khích trẻ ăn chậm, nhai kĩ.

Nếu trẻ bị một số biểu hiện như đau bụng dai dẳng, chóng mặt, da xanh, nôn máu, ợ hơi, ợ chua, chán ăn, chậm tăng cân…, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.