Cụ ông 79 tuổi bị suy tuyến thượng thận do tự ý sử dụng thuốc Corticoid
PLBĐ - Sau khi sử dụng thuốc, bệnh nhân thấy mệt mỏi, ăn ngủ kém, đau tức ngực, mặt căng tròn, da căng bóng, đỏ mỏng, dễ chảy máu khi va chạm, khó thở, chân phù tăng dần, khó khăn khi di chuyển.
VTV thông tin, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) vừa cấp cứu kịp thời bệnh nhân là cụ ông 79 tuổi, bị suy tuyến thượng thận do tự ý dùng thuốc Corticoid.
Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm đa khớp. Gần đây, khi thấy đau khớp tay, chân, bệnh nhân không đi khám mà tự ý đi mua một số loại thuốc chống viêm, giảm đau về uống.
Sau khi sử dụng thuốc, bệnh nhân thấy mệt mỏi, ăn ngủ kém, đau tức ngực, mặt căng tròn, da căng bóng, đỏ mỏng, dễ chảy máu khi va chạm, khó thở, chân phù tăng dần, khó khăn khi di chuyển. Thấy vậy, gia đình đã đưa đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn thăm khám.
Tại đây, các bác sĩ Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc nhanh chóng thực hiện thăm khám và chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả cho thấy, bệnh nhân bị suy tuyến thượng thận/suy thận/ tăng huyết áp/đái tháo đường/viêm đa khớp.
Các bác sĩ tiến hành hội chẩn và chỉ định điều trị tích cực cho bệnh nhân. Sau hơn 10 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được xuất viện.
Theo các chuyên gia y tế, Corticoid (tên đầy đủ là glucocorticoid) là một loại thuốc kháng viêm được chỉ định trong nhiều bệnh lý khác nhau. Corticoid dùng trong điều trị có tác dụng tương tự như hormone được sản xuất bởi tuyến thượng thận (hai tuyến nhỏ nằm phía trên thận).
Các loại corticoid thường gặp trong thành phần của thuốc là: hydrocortisone, prednisolone, prednisone, methylprednisolone, triamcinolone, fluticasone, beclomethasone, betamethasone, dexamethasone, clobetasone, budesonide...
Corticoid được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, như: Các bệnh tự miễn (như viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn, lupus....): các bệnh mà trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể (hệ thống có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng) tấn công vào các mô và cơ quan khỏe mạnh như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; Cơn gút cấp; Buồn nôn và nôn: corticoid dùng đường uống có thể được sử dụng cùng với các thuốc khác để dự phòng buồn nôn và nôn do thuốc điều trị ung thư; Thay thế hormone tuyến thượng thận khi cơ thể không tự sản xuất đủ các hormone này; Dự phòng thải ghép: corticoid có thể được sử dụng cùng các thuốc khác để dự phòng hệ miễn dịch tấn công các cơ quan vừa được ghép (ví dụ: gan, thận....); Các phản ứng dị ứng nặng: dùng trong thời gian ngắn để làm giảm các phản ứng dị ứng nặng; Một số bệnh lý ngoài da: eczema, vảy nến, phát ban, kích ứng nhẹ do côn trùng đốt...
Sử dụng corticoid trong thời gian ngắn (1 – 2 tuần) thường không gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số tác dụng phụ nhẹ có thể gặp khi sử dụng đợt ngắn gồm: kích ứng dạ dày, tăng cảm giác ngon miệng, khó ngủ.
Tác dụng phụ dễ xảy ra hơn nếu bạn dùng thuốc trong thời gian dài hoặc dùng đợt ngắn nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhìn chung, liều càng cao, nguy cơ gặp tác dụng phụ càng lớn. Do đó, nếu bạn cần phải điều trị bằng corticoid trong thời gian dài, bác sĩ sẽ cân nhắc liều thấp nhất có thể mà vẫn kiểm soát được các triệu chứng. Một số bệnh cần dùng liều cao hơn so với các bệnh khác để kiểm soát triệu chứng. Thậm chí với cùng một bệnh, liều cũng thay đổi từ người này sang người khác và thay đổi tùy theo từng giai đoạn bệnh.
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng có thể kết hợp với việc sử dụng thuốc kéo dài, gồm: Loãng xương; Tăng nguy cơ nhiễm trùng; Tăng huyết áp; Tăng đường huyết; Tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng; Chậm lớn ở trẻ em; Hội chứng Cushing (hiện tượng mặt tròn như mặt trăng, lắng đọng mỡ ở vùng cổ, lưng trong khi chân tay teo nhỏ); Đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, glocom; Chậm lành vết thương, da teo mỏng, dễ bị bầm tím.
Đặc biệt, nếu dùng corticoid trong thời gian dài sẽ có nguy cơ teo tuyến thượng thận do tuyến này quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể sẽ ngừng hoạt động, không còn duy trì chức năng bài tiết hormone bình thường nữa.