Mộng thịt ở mắt và cách điều trị
PLBĐ - Bệnh mộng thịt ở mắt là tình trạng trong mắt có một mảng màu hồng trắng xuất phát từ góc mắt và có thể lan đến che phủ giác mạc, con ngươi, làm ảnh hưởng đến thị lực
Mộng thịt ở mắt là bệnh gì?
ThS.BS. Đoàn Thu Hiền - Chuyên khoa Mắt, BVĐK MEDLATEC, người đã từng có kinh nghiệm nhiều năm trong khám và điều trị các bệnh lý chuyên khoa mắt và cũng từng gặp nhiều bệnh nhân bị mộng mắt cho biết: Mộng thịt (Pterygium) là một trong những bệnh về mắt phổ biến tại các nước nhiệt đới có khí hậu nóng ẩm, xảy ra khi kết mạc phát triển một mô mỏng bao phủ phần tròng trắng của mắt. Nếu để bệnh tiến triển nặng không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn có thể gây viêm nhiễm, giảm thị lực của mắt.
Bệnh có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt và được phân thành 4 giai đoạn:
Mộng thịt độ I: Mộng mới đến rìa giác mạc;
Mộng thịt độ II: Mộng vào đến điểm giữa của khoảng cách từ rìa giác mạc đến bờ đồng tử;
Mộng thịt độ III: Mộng đã lan đến bờ đồng từ;
Mộng thịt độ IV: Mộng đã qua bờ đồng tử.
Nguyên nhân gây mộng thịt đến nay vẫn chưa được xác định chắc chắn. Tuy nhiên, BS Hiền cũng lưu ý các yếu tố tác động có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như: Sống tại khu vực có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm; Thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời; Các chất gây kích ứng mắt như bụi, gió, phấn hoa và khói có thể gây khô mắt.
Dấu hiệu cảnh báo mộng thịt
Cũng theo BS Hiền, bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt bởi sự tăng trưởng khối mộng có thể lan truyền chậm trong suốt cuộc đời hoặc dừng lại sau một thời điểm nhất định. Tuy nhiên, trong trường hợp nặng, mộng thịt có thể che phủ đồng tử của người bệnh và gây ra các vấn đề về thị lực vì vậy tuyệt đối không được chủ quan mà cần khám chuyên khoa mắt để được bác sĩ tư vấn và hướng dẫn các cách điều trị kịp thời đặc biệt là khi thấy mắt có các dấu hiệu sau:
Mắt hay bị kích thích, lắng đọng nước;
Có hiện tượng đỏ, mờ, ngứa mắt;
Mắt bị khô và khó chịu như có vật lạ trong mắt;
Nếu màng của mộng thịt tăng trưởng đi vào giác mạc (vùng đồng tử của mắt), có thể thay đổi hình dạng và gây ra mờ mắt hoặc nhìn đôi.
Phòng tránh và điều trị bệnh mộng thịt thế nào?
Để phòng tránh mộng thịt phát triển trong mắt, BS Hiền đưa ra lời khuyên hữu ích để người dân có thể tự bảo vệ mắt của mình như:
Đeo kính râm mỗi ngày kể cả khi thời tiết u ám. Nên chọn kính ngăn chặn cả bức xạ tia cực tím A (UVA) và tia cực tím B (UVB).
Đội mũ rộng vành bảo vệ mắt khỏi tia UV.
Sử dụng nước mắt nhân tạo giữ ẩm cho mắt ở vùng khí hậu khô.
Bề ngoài mộng thịt trông đáng sợ, nhưng không phải là ung thư mà bản chất đó là khối u hình tam giác của mô thịt phát triển trên tròng màu trắng của mắt kéo dài qua giác mạc làm mất tính thẩm mỹ”.
Với những người đã bị bệnh, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ tư vấn phẫu thuật cắt bỏ mộng để không làm ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ và không gây mất thị lực cho mắt.
Tuy nhiên, phẫu thuật có thể loại bỏ mộng mắt, nhưng tỷ lệ tái phát cao từ 30-80% và khả năng này cao hơn ở những người dưới 40 tuổi. Vì vậy, để ngăn ngừa tái phát sau phẫu thuật, bệnh nhân nên phẫu thuật ghép kết mạc tự thân (khâu một mảnh mô bề mặt mắt vào khu vực bị ảnh hưởng), sử dụng thuốc ngăn chặn sự phát triển mô và lưu ý tránh những việc như va chạm mạnh hoặc dụi mắt; để xà phòng dính vào mắt; Khói bụi, ánh nắng trực tiếp rọi vào mắt; Sử dụng các chất kích thích: Rượu, bia, thuốc lá; Làm việc nặng, quá sức.