Ngủ dậy thấy đau họng cần làm ngay điều này để phòng ngừa viêm họng tái phát
Đau họng vào buổi sáng không phải lúc nào cũng do bệnh. Vì vậy, cần tìm hiểu nguyên nhân gây đau họng để có cách xử lý đúng đắn nhất.
Thời tiết nóng lạnh thay đổi thất thường, nhiều người khi thức dậy vào buổi sáng thường cảm thấy cổ họng vừa đau vừa ngứa rát. Theo các chuyên gia y tế, đau họng vào buổi sáng có thể do các nguyên nhân chính như nhiễm virus và vi khuẩn. Một số loại virus và vi khuẩn, như cúm, sởi và thủy đậu, có thể gây đau họng và các triệu chứng khác. Liên cầu khuẩn thường gây đau họng dữ dội, đặc biệt ở trẻ em. Điều trị có thể đòi hỏi việc sử dụng thuốc kháng sinh.
Tuy nhiên, thực tế đau họng không phải lúc nào cũng do bệnh. Bạn có thể cảm thấy cơn đau họng vào buổi sáng mà không phải do các bệnh viêm nhiễm gây ra. Đó có thể là do những nguyên nhân sau:
Đau họng do viêm mũi, viêm họng dị ứng
Viêm mũi hoặc viêm họng do dị ứng có thể gây ngứa mũi, nghẹt mũi và hắt hơi và thường đi kèm với cảm giác đau họng khi bạn thức dậy. Nếu bạn có cảm lạnh hoặc sốt cao, cần thăm bác sĩ để kiểm tra và điều trị.
Đau họng do mất nước
Đau họng khi thức dậy vào buổi sáng có thể là do mất nước. Vì khi ngủ, chúng ta không uống nước trong suốt nhiều giờ đồng hồ. Việc đổ mồ hôi vào ban đêm hoặc uống một số loại thuốc, rượu bia, hay ngủ gần luồng gió như quạt, máy lạnh hay cửa... sổ cũng có thể là nguyên nhân gây đau họng khi thức dậy.
Đau họng do ngủ ngáy
Những người ngủ ngáy thỉnh thoảng sẽ cảm thấy họng bị khô và đau vào buổi sáng. Vì khi ôxy đi qua khí quản, các mô khí quản sẽ rung lên. Tất cả những rung động này cộng với việc thở bằng miệng khi ngủ ngáy có thể khiến bạn bị đau họng vào buổi sáng.
Đau họng do trào ngược axit dạ dày
Trào ngược a xit dạ dày cũng là nguyên nhân gây đau họng vào buổi sáng. Trào ngược dễ xảy ra khi chúng ta nằm xuống. Do đó, để giảm nguy cơ này, người bị trào ngược cần kê cao gối ngủ khoảng 15 đến 20 cm. Ngoài ra, họ cũng không nên nằm trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 giờ sau khi ăn.
7 việc cần làm ngay khi bị đau họng
Thời điểm giao mùa từ nóng sang lạnh khiến niêm mạc cổ họng trở nên yếu ớt, dễ bị virus, vi khuẩn tấn công. Để phòng ngừa viêm họng tấn công, cần chứ ý những điều sau:
- Súc miệng bằng nước muối ấm: Súc miệng bằng nước muối ấm vào buổi sáng có thể giúp làm sạch cổ họng, giảm triệu chứng đau rát, và loại bỏ vi khuẩn.
- Uống nước ấm và mật ong: Trước khi đi ngủ hoặc sau khi thức dậy, uống một ly nước ấm hoặc thêm mật ong vào nước ấm có thể làm dịu cổ họng và giúp giảm đau rát.
- Không ăn no trước khi ngủ: Tránh ăn quá no ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ. Ăn nhiều trước khi đi ngủ có thể tạo áp lực lên dạ dày và gây trào ngược axit dạ dày.
- Tránh ăn đồ ăn cứng, đồ ngọt, đồ lạnh, cay. Tăng cường dinh dưỡng với thực đơn cân đối các nhóm dưỡng chất như: tinh bột, chất béo, chất đạm và rau, củ, quả; Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất.
- Không tự ý dùng kháng sinh: Khi có biểu hiện mắc các bệnh viêm mũi, viêm amidan, viêm xoang... cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị sớm.
- Nên tắm bằng nước ấm ở phòng kín, tránh gió lùa. Đêm ngủ cần đóng kín cửa, tránh gió lạnh vào phòng. Tránh để điều hòa hoặc quạt gió phả thẳng vào người.
- Nếu cơn đau họng vào buổi sáng sau 1 tuần vẫn không hết thì người bệnh cần đến bác sĩ kiểm tra, nhất là khi đau họng kèm theo sốt, khó thở, sưng hạch bạch huyết, đờm hay nước bọt có máu.