Nguyên nhân và phương pháp điều trị bệnh ung thư xoang lê
PLBĐ - Xoang lê là một bộ phận có tên gọi khác là máng họng thanh quản. Khi xoang lê hình thành khối u ác tính sẽ lây lan tới các tổ chức lân cận dẫn đến ung thư vùng hạ họng và thanh quản. Bệnh có mức độ nguy hiểm cao và khó điều trị nếu phát hiện muộn.
Xoang lê hay máng họng thanh quản được giới hạn từ nẹp họng thanh thiệt phía trên cho đến phần miệng thực quản phía dưới. U ác ở xoang lê là tình trạng dễ xảy ra nhất trong ung thư vùng hạ họng. Đặc biệt ung thư vùng hạ họng cũng được xem là tình trạng phổ biến nhất trong số những bệnh lý về tai mũi họng, đồng thời mức độ nguy hiểm cũng cực kỳ cao chỉ xếp sau ung thư mũi xoang và ung thư vòm họng.
Nếu bệnh nhân được chẩn đoán ung thư hạ họng từ giai đoạn đầu thì sẽ cơ hội điều trị khỏi sẽ khá cao. Tuy nhiên thực tế đa phần những trường hợp bị ung thư hạ họng khi phát hiện ra thì bệnh đã bước sang giai đoạn muộn, gây ra nhiều khó khăn cho công tác điều trị.
Kể từ khi khối u ác tính hình thành cho đến khi nó phát triển xâm lấn rộng rãi sang những tổ chức lân cận chỉ mất một khoảng thời gian ngắn, thậm chí di căn cũng rất nhanh. Khả năng tàn phá của u ác ở xoang lê rất mạnh mẽ, có thể khiến thanh quản và toàn bộ vùng hạ họng bị tổn thương hoàn toàn. Vì bệnh không biểu lộ rõ ràng các triệu chứng ở giai đoạn đầu nên rất khó để phát hiện ra từ sớm. Bệnh được chia thành 4 giai đoạn phát triển chính như sau:
Giai đoạn 1: u ác hình thành từ xoang lê, kích thước dưới 2cm và chưa xuất hiện hạch ở cổ, chưa lan sang những vùng xung quanh;
Giai đoạn 2: khối u gia tăng về kích thước (2 - 4cm), đã bắt đầu gây tổn thương thanh quản và xâm lấn vào vùng hạ họng nhưng chưa di căn tới cơ quan khác và cũng chưa nổi hạch ở cổ;
Giai đoạn 3: khối u lúc này đã xâm lấn sang thực quản và thanh quản, kích thước có thể lên đến hơn 4cm, một bên cổ bắt đầu xuất hiện hạch dưới 3cm;
Giai đoạn 4: hầu hết xương, sụn và phần mềm đều đã bị tổn thương do khối u gây ra, cả 2 bên cổ đều đã nổi hạch và tế bào ung thư đã di căn xa.
Nguyên nhân dẫn đến u ác ở xoang lê
Theo BSCKI Vũ Thanh Tuấn - Bệnh viện Medaltec, hiện vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân khiến u ác hình thành ở xoang lê nhưng bệnh có thể là do ảnh hưởng từ những yếu tố sau:
Người trung niên hút thuốc và uống rượu lâu năm: cồn chứa trong rượu kết hợp với hóa chất có trong thuốc lá có thể làm tổn thương niêm mạc họng, sùi loét cổ họng góp phần hình thành khối u ở xoang lê;
Vệ sinh răng miệng kém: vi khuẩn sẽ tích tụ trong khoang miệng và đi xuống vùng hạ họng khiến niêm mạc ở khu vực này bị tổn thương dẫn tới viêm nhiễm vùng họng;
Làm việc hoặc sinh sống trong môi trường ô nhiễm: người bệnh thường phải tiếp xúc với bụi a-mi-ăng, bụi gỗ có nguy cơ bị ung thư xoang lê cao hơn với người bình thường;
Bệnh nhân đã từng hoặc đang bị mắc các bệnh lý như: nhiễm virus HPV, trào ngược dạ dày thực quản hoặc mắc các bệnh lý tăng kích thích vùng họng, mắc hội chứng Plummer-Vinson, viêm nhiễm đường hô hấp,...
Một số dấu hiệu giúp nhận biết u ác ở xoang lê
Khi bị ung thư vùng hạ họng người bệnh sẽ có những triệu chứng như sau:
Nổi hạch ở vùng cổ với đặc điểm: hạch ít di chuyển, dạng rắn và không có biểu hiện đau nhức;
Gặp vấn đề về cử động nuốt: có cảm giác nghẹn, nuốt khó, vướng mắc trong họng;
Khi bệnh tiến triển nặng bệnh nhân sẽ hay bị khó thở, gặp khó khăn trong nói chuyện và sút cân nghiêm trọng.
Triệu chứng của ung thư hạ họng thường tiến triển âm thầm mà không có biểu hiện rầm rộ. Ung thư hạ họng vao gồm 3 dạng đó là ung thư vùng sau nhẫn phễu, ung thư miệng - thực quản và ung thư xoang lê. Trong đó nếu bệnh nhân bị ung thư xoang lê thì sẽ bộc lộ những dấu hiệu đó là:
Khó chịu khi nuốt nước bọt hoặc nuốt thức ăn (xuất hiện chủ yếu ở một bên họng);
Ho có đờm, đôi khi có lẫn máu;
Cảm giác khó nuốt tăng dần đi kèm với biểu hiện đau nhói vùng tai;
Khi khối u lớn hơn có thể xâm lấn vào thanh quản tác động trực tiếp đến giọng nói.
Phương pháp điều trị
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm ung thư xoang lê nhưng nhờ sự phát triển của công nghệ kỹ thuật hiện đại có thể giúp bệnh nhân hạn chế biến chứng và kiểm soát tình trạng bệnh. Thông thường bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định điều trị cho bệnh nhân bằng những phương pháp sau:
Phẫu thuật: dựa trên đánh giá về mức độ bệnh và thể trạng của bệnh nhân mà sẽ lựa chọn phương án phẫu thuật khác nhau: cắt bỏ 1 phần hoặc bán phần hạ họng và thanh quản, cắt bỏ bán phần thanh quản và hạ họng phía trên thanh môn, cắt bỏ hoàn toàn thanh quản và hạ họng. Kết hợp với đó là nạo vét triệt để các hạch ở cổ;
Xạ trị: áp dụng riêng lẻ hoặc thực hiện sau phẫu thuật để triệt tiêu số tế bào ung thư còn sót lại. Tuy nhiên theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế thì nên xạ trị sau mổ song song với tia trường vùng hạ họng, thanh quản và các nốt hạch ở cổ. Đặc biệt lưu ý trong điều trị u ác của xoang lê mức năng lượng tia xạ không được vượt quá 45Gy nếu khu vực cần xạ trị nằm gần tủy sống;
Hóa trị kết hợp cùng liệu pháp miễn dịch: áp dụng cho những người bệnh giai đoạn cuối.
Nhìn chung ung thư hạ họng nói chung và ung thư xoang lê nói riêng rất khó để phát hiện ra ngay từ giai đoạn đầu vì triệu chứng của bệnh không bộc lộ rõ ràng. Chính vì vậy mỗi người nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ và sàng lọc ung thư hàng năm để sớm phát hiện ra mầm mống gây ung thư, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời.