Sẽ sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2025?
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: "Dự kiến 2025 sẽ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Khi đó Bộ sẽ nêu quan điểm, lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan để lên phương án trình Quốc hội".
Năm 2025, sẽ sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân
Sáng 18/3, đã diễn ra phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về phương về phương án xét mức tăng, giảm trừ gia cảnh khi xác định thuế thu nhập cá nhân.
Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, mức tăng giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế được áp dụng từ ngày 1/7/2020 tới nay không còn phù hợp với các chỉ số lạm phát tăng và tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết phương án xét mức tăng, giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc khi xác định thuế thu nhập cá nhân thời gian tới chưa và mức bao nhiêu là phù hợp?
Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng chia sẻ những phản ánh của người dân và báo chí nêu về mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp do giá cả gia tăng. Theo Bộ trưởng, việc tính thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Muốn thay đổi phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân.
"Dự kiến 2025 sẽ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Khi đó Bộ sẽ nêu quan điểm và lấy ý kiến Nhân dân và các cơ quan để từ đó lên phương án trình Quốc hội", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.
Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân 2024 là bao nhiêu?
Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi 2012) và các quy định khác liên quan, giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú.
Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần là giảm trừ đối với bản thân người nộp thuế và giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc của người nộp thuế.
Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi 2012) có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Việc xác định mức giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc thực hiện theo nguyên tắc mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế.
Người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh là người mà đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, bao gồm:
- Con chưa thành niên; con bị tàn tật, không có khả năng lao động;
- Các cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định, bao gồm con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề; vợ hoặc chồng không có khả năng lao động; bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; những người khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.
Mức thu nhập, kê khai để xác định người phụ thuộc được tính giảm trừ gia cảnh thực hiện theo quy định chi tiết của Chính phủ.
Theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14, mức giảm trừ gia cảnh năm 2024 được quy định:
- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);
- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Giảm trừ gia cảnh tính theo nguyên tắc nào?
Điểm c, Khoản 1, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh như sau:
- Người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công thì tại một thời điểm (tính đủ theo tháng) người nộp thuế lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi.
- Đối với người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 01 hoặc từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam trong năm tính thuế (được tính đủ theo tháng).