Nữ sinh lớp 8 bị rối loạn nhân cách, nhiều lần tự huỷ hoại bản thân

19/03/2024 15:23

Áp lực học tập, bố mẹ mâu thuẫn khiến nữ sinh lớp 8 căng thẳng, sinh ra suy nghĩ tiêu cực, tự huỷ hoại bản thân.

Nguyễn Thị Hoa 14 tuổi, ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng thường xuyên cáu gắt, có hành vị tự cắt tay.

Hoa trước đây học lực khá giỏi, hòa đồng với bạn bè, nữ sinh hay gia đình không có tiền sử bệnh về tâm thần. Gia đình nữ sinh thường xuyên cãi vã, bố Hoa hay suy nghĩ tiêu cực, thường nói lời đay nghiến, trong khi mẹ là người rất bảo thủ, luôn muốn mọi người theo ý kiến của mình.

Thời gian gầy đây do áp lực học tập, cộng thêm việc bố mẹ hay mâu thuẫn, Hoa cảm thấy căng thẳng, ức chế, khó kiềm chế cảm xúc, dễ nổi nóng cáu gắt.

“Có khi đang vui nhưng sau đó Hoa lại ngồi khóc một mình ”, mẹ Hoa nói và cho biết việc học tập của con gái sa sút, ở lớp hay khó chịu với bạn bè, còn về nhà thường mắng em gái.

Cô bé luôn lo sợ bị bỏ rơi, bố mẹ không yêu thương, nghĩ luôn có người coi thường hoặc muốn làm tổn thương mình. Để giải quyết vấn đề gặp phải, Hoa lên mạng, thành lập các nhóm chia sẻ cảm xúc tiêu cực, hướng dẫn cách giải tỏa cảm xúc bằng việc tự gây thương tích.

Nữ sinh 14 tuổi nhiều lần làm hại bản thân bằng cách dùng dao dọc giấy rạch vào cẳng tay. Gia đình phát hiện, đưa con đến Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai).

BS.CKII Nguyễn Hoàng Yến, phòng Tâm thần Nhi - Vị thành niên (Viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia) cho biết, hai tay bệnh nhân tổn thương do tự rạch, có tình trạng buồn chán, cáu gắt. Qua thăm khám lâm sàng chẩn đoán, bệnh nhân bị rối loạn nhân cách ranh giới.

Nữ sinh lớp 8 bị rối loạn nhân cách, nhiều lần tự huỷ hoại bản thân - Ảnh 1.
Nữ sinh dung dao rọc giấy để tự tử.

Bác sĩ Lê Công Thiện (Trưởng phòng điều trị Tâm thần Nhi) thông tin, rối loạn nhân cách ranh giới thường gặp ở trẻ vị thành niên nhiều hơn người trưởng thành, và dễ nhầm lẫn với trầm cảm.

Rối loạn nhân cách ranh giới thường thay đổi hành vi, cảm xúc rất nhanh, có thể đang vui nhưng buồn ngay và ngược lại. Ngoài ra, người bệnh có tính cách bốc đồng, hành vi tự hủy hoại xuất hiện bộc phát, nghĩ đến làm ngay. Trong khi đó, người trầm cảm dù cũng có hành vi tự sát nhưng trước đó họ luôn tìm cách để lý giải sau đó mới xuất hiện hành vi.

Ngoài các yếu tố di truyền, sử dụng thuốc thì môi trường cũng là yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ bị rối loạn nhân cách ranh giới. Điển hình như việc bị ngược đãi trong gia đình, cha mẹ thường xuyên xung đột với nhau hoặc xung đột với con gái. Tất cả những điều này đều âm thầm tác động đến tâm lý trẻ, nhất là trong lứa tuổi vị thành niên có nhiều thay đổi cả về thể chất và tâm lý.

Rối loạn nhân cách ranh giới thường được phát hiện muộn, dễ nhầm lẫn với bệnh khác. Thực tế, nhiều trường hợp đưa đến viện vì những lý do, triệu chứng khác nhau nhưng khi khai thác sâu mới hướng đến chẩn đoán bị rối loạn nhân cách ranh giới.

Do không nhận biết được sớm nên triệu chứng tồn tại âm ỉ, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập cũng như sự hình thành nhân cách, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh khi họ có hành vi tự hủy hoại bản thân.